Tản mạn 'tháng củ mật'
(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày trước, trong câu chuyện, một người bạn lớn tuổi của tôi chép miệng: “bắt đầu tháng củ mật rồi”.
Nhớ lại lúc nhỏ, lần đầu tiên tôi nghe tới từ ấy là khi nhà hàng xóm cùng khu tập thể bị trộm hỏi thăm vào đúng dịp sát Tết nguyên đán. Kẻ trộm phá cửa bếp, vào khoắng sạch gạo và vài thứ khác. Thậm chí, có lẽ hắn cũng đói nên thản nhiên ngồi ăn hết cả xoong cơm nguội với cá kho trước khi rút lui.
Nghe chuyện, mẹ tôi gắt các con: “Tháng củ mật rồi, nhớ cẩn thận cửa nẻo”.
Lớn lên một chút, tôi hiểu thêm: tháng “củ mật” là khái niệm hay được nhắc tới ở miền Bắc và chính là tháng Chạp theo lịch âm.
Lúc này thời tiết chuyển giá rét, công việc cuối năm bận rộn, mọi người đều mệt mỏi và thường có giấc ngủ rất sâu sau một ngày làm việc. Lợi dụng điều ấy, giới “đạo chích” thường tranh thủ hành động vào ban đêm.
Có người còn nói: ngày xưa, khi đời sống còn khó khăn, nên tâm lý chung là ai cũng lo lắng chuẩn bị, tiết kiệm mua sắm để đón tết âm lịch theo tâm lý “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Bởi thế, kẻ trộm lại càng có cớ để liều mạng tung hoành trong dịp này.
Thậm chí, ngoài việc mất trộm, việc để xảy ra hỏa hoạn hay những sự cố khác do sơ suất, mất cảnh giác cũng được nhắc tới trong “tháng củ mật” đầy mệt mỏi.
Ngẫm ra khá thú vị: trong lịch âm của chúng ta, chẳng mấy tháng có một cái tên riêng vừa bình dân, vừa khó hiểu như thế. Gắn với chữ “mật” mà chẳng thấy chút gì… ngọt ngào – cũng như trong văn hóa Việt, chắc chắn chẳng có củ nào là “củ mật”.
Sau này, đọc thêm, tôi thấy có người giải thích đó là hai từ gốc Hán Việt: “củ” là đốc trách, xem xét còn “mật” chính là sự cẩn mật cần có. Nghe cũng có lý.
***
Bây giờ, tháng Chạp thực tế vẫn luôn là tháng cao điểm của mọi hoạt động.
Người Việt chúng ta thường có tâm lý muốn giải quyết mọi việc cần thiết trước khi bước sang một năm mới. Vì thế, vào cuối năm, mọi nhà đều tất bật dồn dập với các hoạt động như sửa sang nhà cửa, sắm sửa đồ đạc, giải quyết các mối quan hệ xã giao. Cái gì chưa thực hiện thì khẩn trương làm, cái gì làm dở thì cố… guồng thật nhanh để xong trước Tết.
Còn với những doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị, các trung tâm buôn bán lớn hay nhỏ, tháng “củ mật” chính là thời điểm tấp nập vận chuyển giao nhận, thanh quyết toán tài chính, thu hồi các khoản nợ, công nợ còn tồn đọng. Đặc biệt, họ cũng phải cố gắng giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến quyền lợi của nhân viên sau một năm vất vả cống hiến - để rồi từ đó, những người lao động này mới có tâm lý tốt khi trở lại công việc trong năm mới.
Làm việc và hoạt động với cường độ cao như vậy, nên tất nhiên trên lý thuyết, rủi ro rất dễ xảy ra. Người ta chỉ còn cách động viên nhau: cẩn thận và cẩn thận.
Nghĩa là không gọi tên, thì “tháng củ mật” vẫn tồn tại trên thực tế - dù có lẽ ít bạn trẻ để ý tới khái niệm này.
Tuy nhiên, có những quan niệm cần lưu giữ, và có những quan niệm cũng đến lúc phải mất đi. Có lẽ với từng cá nhân chúng ta, quan điểm tháng “củ mật” cũng nên thay đổi.
Thay vì cứ phải căng mình ra và cẩn mật hết sức vào dịp cuối năm, chúng ta hãy nghĩ tới việc rèn luyện thêm các kỹ năng xử lý tình huống, cũng như có sự khoa học trong phân bổ công việc. Chẳng hạn, ngay sau “tháng củ mật” sẽ là tháng Giêng – “tháng ăn chơi” trong truyền thống. Nhưng, dư luận đã nói rất nhiều tới việc nên bỏ tâm lý và thói quen “ăn chơi” trong thời điểm ấy, để thật sự bắt tay vào việc.
Làm việc ngay từ đầu năm, tập trung và nỗ lực giải quyết công việc theo từng ngày từng tháng, khi ấy tháng Chạp sẽ là thời điểm bạn ngồi và tổng kết lại một năm làm việc của mình. Nếu lao động nghiêm túc, cảm giác khi ấy hẳn sẽ “ngọt ngào” hơn, thay vì vừa căng thẳng, vừa mệt mỏi như tháng “củ mật” mà chúng ta thường nhắc tới.
Xuân An