Ở nhiều gia đình, sách chẳng có tác dụng gì!
(Thethaovanhoa.vn) - Một kết quả Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á thu được sau khảo sát: có đến 26% dân số Việt Nam chẳng bao giờ đọc sách, 44% thi thoảng mới đọc và tỷ lệ có đọc thường xuyên chỉ đạt 30%.
Người mình không lười đọc đâu, chẳng qua là chăm đọc cái khác thôi. Đọc Facebook, đọc báo mạng rồi đọc vô số thứ tầm phào thôi. Nhiều người bây giờ nhìn thấy những cuốn tiểu thuyết dày chừng 200 trang trở lên là rùng mình không khác vừa nhìn thấy ma vậy. Sách không còn là thứ để người ta giải trí, hoặc đơn giản là cắm đầu vào đó để thiền, để suy niệm hoặc nâng cao kiến thức.
Còn nhớ hồi biết mình đóng gần chục thùng sách mua ở Châu Âu và chuyển về nhà, có cô bạn đã bĩu môi bảo mình, "tôi tưởng ông buôn cái gì có giá như nhiều người có điều kiện vẫn làm chứ, sách chỉ tổ chật nhà". Mình cười, chẳng nói gì, ngậm ngùi nghĩ rằng, ở thời buổi cái gì cũng ăn sẵn, thực dụng và nhiều thứ nông choèn này, tất cả hướng đến tiền và quyền, sách vở là những thứ dễ bị đối xử tàn tệ nhất. Nhiều người tin rằng, tất cả mọi điều trên đời này bây giờ tồn tại trong hai thứ có thể cầm gọn trong lòng bàn tay. Đấy là cái ví và cái điện thoại di động. Sách trở thành thứ nặng nề và tốn thời gian.
Trong những gia đình mà bố đã không đọc vì bận, mẹ cũng không có thời gian đọc vì bận, đứa con có lẽ vì thế cũng không đọc luôn (con hay học theo bố mẹ mà). Vứt cho chúng một cái điện thoại để chúng ngồi im và bố mẹ thoải mái làm việc riêng, chat chit với người khác hoặc đọc thứ gì đó trên Facebook là việc nhiều gia đình vẫn làm. Sách với chúng cũng chẳng có tác dụng gì, giống cách nhìn của bố mẹ chúng.
Nhưng có người so sánh, theo tổng hợp các thống kê mới nhất từ trang Global English Editing, số liệu năm 2015 cho thấy 27% người trưởng thành ở Mỹ không đọc một cuốn sách nào trong suốt 12 tháng gần nhất. Mà thực ra không nên so với Mỹ làm gì. Họ ở đâu trên thế giới này, và ta ở đâu trên thế giới này, ta cũng biết cả rồi. Có chăng, số liệu lười đọc giống nhau cũng chỉ để an ủi...
Trương Anh Ngọc