Ở Mỹ, có ai mơ làm tiếp viên hàng không?
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị và các bạn,
Trong khi tiếp viên hàng không là nghề mơ ước của nhiều bạn trẻ ở Việt Nam thì ở Mỹ lại là một nghề cực nhọc và thu nhập không thể gọi là cao.
Số liệu mới nhất của Văn phòng Nghiên cứu số liệu thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết thu nhập bình quân của những người làm việc này chỉ chưa đầy 38 ngàn USD/năm. Con số trung bình ở đây được tính là ranh giới phân chia giữa 50% số người kiếm hơn con số nói trên và 50% số người kiếm ít hơn thế. Hiện ở Mỹ có gần 85 ngàn người làm tiếp viên hàng không, bất kể nam hay nữ.
38 ngàn USD/năm thoạt nghe tưởng nhiều, nhưng là dưới mức thu nhập đầu người bình quân, bằng khoảng 1/3 so với thu nhập bình quân của các luật sư, 1/5 các bác sĩ phẫu thuật, tương đương những người làm nghề HLV, trọng tài thể thao, và cao hơn chút xíu so với những người làm dịch vụ mai táng (lương chừng 36 ngàn/năm).
Bù lại, nếu như nghề tiếp viên hàng không ở Việt Nam đòi hỏi cả thanh lẫn sắc (giọng nói và ngôn ngữ) nên cực ngặt nghèo về tuổi tác, thì ở Mỹ là rất phổ biến khi gặp các tiếp viên hàng không U50.
Quy định 32 tuổi về hưu bị xóa bỏ từ năm 1970, và điều khoản không được lập gia đình cũng bị gỡ bỏ từ những năm 1980, khiến cho nghề này ngày càng bị lão hóa.
Nhưng người Mỹ dường như không buồn vì việc các tiếp viên trên các chuyến bay trở nên già hơn, mà điều cốt yếu nhất là họ được phục vụ bởi các nhân viên ngày càng giàu kinh nghiệm.
Đó chính là ưu điểm từ sự thực dụng của người Mỹ. Thực dụng cũng là điều dễ dàng nhận thấy từ việc đội ngũ phóng viên, biên tập viên và những cây bình luận phân tích truyền thông ở Mỹ hiếm khi có những người ít tuổi, và nhìn mặt bằng chung thì không xinh đẹp bằng các phát thanh viên, các biên tập viên của chúng ta.
Chẳng hạn, Anderson Cooper năm nay cũng đã 47 tuổi, còn Pier Morgan 49 tuổi và nói giọng Anh chứ không phải giọng Mỹ dù ông là một trong những người dẫn chương trình hàng đầu của CNN. Cũng CNN còn có phóng viên Wolf Blitzer, 66 tuổi, người mà tôi thi thoảng gặp đi hiện trường trong những sự kiện nóng chứ không chỉ ngồi trường quay phân tích.
Còn người được yêu thích hàng đầu mỗi tối trên NBC lại là Brian Williams, 55 tuổi với cách dẫn chương trình pha những phân tích nhẹ nhàng đầy tinh tế, giàu kiến thức, trong khi các cô gái đẹp, trẻ dành cho chương trình Chào buổi sáng.
Với lĩnh vực truyền hình thể thao, xu hướng ấy càng trở nên rõ rệt hơn. Chẳng hạn như kênh chuyên tennis (Tennis Chanel) không có bình luận viên nào dưới 30 tuổi và đa phần từng chơi chuyên nghiệp. Bình luận viên mới nhất cộng tác với Tennis Chanel là Paul Annacone, cựu huấn luyện viên của Federer, Sampras…). Vậy mà ngoại trừ những tên tuổi trứ danh, nghề phóng viên, biên tập viên truyền hình nói chung ở Mỹ cũng chỉ có thu nhập ngang với các tiếp viên hàng không, cũng khoảng 37 ngàn USD/năm.
Thực dụng ở đây nói cách khác chính là thực tài, và lý giải tại sao ở Mỹ không có “hot girl” bỗng trở thành “nghệ danh” có giá trị thương mại cao hơn cả nghệ sĩ nhân dân như chúng ta đang thấy đâu đó.
Chúc anh chị sức khỏe. Hẹn ở thư sau!
Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần