Nỗi đau cháy rừng
(Thethaovanhoa.vn) - Chưa bao giờ, trong vài ngày qua, người dân cả nước lại mong đợi những cơn mưa lớn đến thế. Mong đợi không chỉ bởi cái nắng gay gắt của mùa hè. Xa hơn, chúng ta hi vọng mưa lớn sẽ giúp người dân miền Trung đỡ nhọc nhằn hơn trong việc dập tắt những trận cháy rừng đang diễn ra.
Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 5 ngày nắng cao điểm kể từ 26/6, khoảng 15 vụ cháy rừng đã xảy ra ở các tỉnh miền Trung, trải dài từ Ninh Bình tới Phú Yên. Trong đó, nhiều vụ cháy lớn dù được khống chế nhưng vẫn bùng phát trở lại và kéo dài, chẳng hạn như các vụ cháy ở Nghi Xuân và Hương Sơn (Hà Tĩnh), Hương Trà và Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) hay Nam Đàn (Nghệ An).
Hàng ngàn người tham gia dập lửa. Hàng trăm hộ dân và vô số cây xăng được di dời. Rồi, hệ thống điện Bắc Nam có nguy cơ bị tách đôi vì đường dây 500kv đang gặp nguy hiểm. Luồng thông tin dồn dập ấy khiến dư luận xót xa – để rồi mạng xã hội tràn ngập hình ảnh về biển lửa kinh hoàng, cũng như màu đen của tro than phủ kín ở những nơi mà nó đi qua.
Và, đau lòng nhất là hình ảnh ghi lại những giọt nước mắt quanh quan tài chị Nguyễn Thị Hoa (xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An). 2 ngày trước, sáng 30/6, khi những đám cháy rừng bùng lên ở địa phương, con trai chị Hoa và hàng xóm là những người đầu tiên lao ra dập lửa. Để rồi, khi người phụ nữ 55 tuổi ấy tình nguyện mang nước uống tới và cùng giúp sức với mọi người, ngọn lửa đang lan mạnh đã cuốn lấy chị...
Chưa bao giờ, hình ảnh những cánh rừng cháy đỏ suốt đêm khiến chúng ta quặn lòng đến thế. Và càng xót xa hơn, khi 2 trong số những vụ cháy đã được xác định là lỗi do hút thuốc lá và đốt rác - những lý do tưởng như lãng xẹt nhưng lại đủ sức hủy hoại cả một cánh rừng.
***
Đã có những tranh cãi theo hướng khá vô bổ, khi một số ý kiến so sánh sự quan tâm của dư luận (đặc biệt là của các hot facebooker) về những vụ cháy rừng này với... vụ cháy nhà thờ Đức Bà ở Paris hơn một tháng trước.
Nhưng bỏ qua sự ấu trĩ của cách so sánh ấy, hãy đặt một câu hỏi khác: trước khi xảy ra những đám cháy vừa qua, chúng ta có quan tâm với vấn đề cháy rừng không?
Quả thật, những năm qua trong dòng chảy của thời sự, những thông tin về cháy rừng cũng có lúc bị chìm đi giữa những luồng thông tin khác. Đó không hẳn là lỗi của truyền thông như cách một số người đang chỉ trích. Đúng hơn, với những công dân đô thị - lượng người chủ yếu sử dụng internet hiện nay – sự quan tâm của họ thường hướng về các sự kiện thiết thân tới mình, thay vì những cánh rừng ở vùng núi hoặc trung du.
Để rồi, khi đợt cháy rừng vào cuối tháng 6 vừa rồi diễn ra, rất nhiều người mới tìm đọc và nhắc đến một sự thật: ở Việt Nam, mỗi năm vẫn diễn ra hàng chục vụ cháy rừng lớn nhỏ. Đơn cử, chỉ trong tháng 4 vừa qua, 7 vụ cháy rừng đã xảy ra ở Sơn La, trong khi 17 vụ khác xảy ra ở Lào Cai.
Và xa hơn thế, chúng ta hiểu ra thêm: rừng là “nồi cơm Thạch Sanh” của người dân vùng cao và trung du. Ở rất nhiều nơi, sinh kế của người dân hầu như chỉ biết dựa vào rừng. Để rồi, mùa hè không chỉ là câu chuyện về sự oi bức, ngột ngạt của những người dân thành phố đang phải “trú ẩn” trong nhà bê tông và điều hòa nhiệt độ. Đó còn là thời điểm, cái nắng đổ lửa khiến người dân địa phương phải thấp thỏm về nạn cháy rừng – khi mà những điều kiện và phương tiện phòng cháy chữa cháy của chúng ta còn rất hạn chế trong câu chuyện này.
- Huy động hơn 500 người tham gia dập tắt đám cháy rừng tại Quảng Bình
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát, chỉ đạo chữa cháy rừng tại Hà Tĩnh
Rừng – và cả cháy rừng – có thể là khái niệm trừu tượng chung chung. Nhưng nỗi đau, và nỗ lực tột cùng để chống chọi với đám cháy của những người dân địa phương quanh 2 chữ “cháy rừng” lại luôn có thật – mà những giọt nước mắt của người thân và gia đình chị Hoa là minh chứng điển hình.
Nhớ điều ấy, chúng ta sẽ không còn cảm thấy hờ hững khi đọc thông tin về một vụ cháy rừng đang diễn ra ở những nơi cách mình hàng trăm km.
Cúc Đường