loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (23/4) là Ngày sách và Bản quyền thế giới do UNESCO tổ chức, với sự tham gia của hầu khắp các thành viên Liên Hợp Quốc, nhằm thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và quyền tác giả. Và năm nay, nhiều thành viên của Liên Hợp Quốc đã nhân Ngày sách thế giới để nói về sách điện tử (electronic book, viết tắt: eBook) như là hiện tại và tương lai vững vàng của sách thế giới.
Dư âm của “Ngày sách Việt Nam” vẫn chưa qua, chứng có là nhiều hội sách vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay (22/4). Trong tuần này, chúng ta lại đón chào ngày Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4).
Cái mới xuất hiện thường đi cùng với nghi kỵ, nhưng không phải tất cả đều như vậy, sách điện tử thuộc nhóm thuận buồm xuôi gió. Ra đời đầu thế kỷ 21, gần như cùng thời nở rộ của Internet và các phương tiện kỹ thuật số, nên sách điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt.
Dễ vận chuyển, dễ lưu trữ, dễ phân phối, dễ chia sẻ là ưu thế của sách điện tử so với sách truyền thống. Một tủ sách gia đình mà có vài ngàn cuốn đã được xem là bề thế, nhưng với các công cụ chứa sách điện tử, một lưu trữ chừng vài chục ngàn cuốn sách là bình thường, là đơn giản, là khá tiết kiệm. Ngày nay, với điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, sách điện tử và các phương tiện lưu trữ của nó gần như vô tận.
Sách điện tử không chỉ thay đổi thói quen đọc, thay đổi phương pháp ghi nhớ, trích dẫn, nghiên cứu, mà còn góp phần thay đổi cả hình ảnh một trí thức, một xã hội. Ngày xưa trí thức, nhà nghiên cứu thường gắn với kho sách đồ sộ, đôi khi cũ mèm và bụi bặm, với sách điện tử thì chỉ với một giỏ xách nhỏ trên tay đã giải quyết phần lớn vấn đề ấy.
Nhiều máy tính xách tay hiện nay có sức làm việc ngang với một thư viện truyền thống với hàng trăm nhân sự phục dịch. Thậm chí với tương lai gần của trí tuệ nhân tạo, việc người đọc muốn đọc hoặc nghe đọc một cuốn sách theo ý riêng của mình - chưa hề xuất hiện trước đó - cũng vô cùng dễ dàng, các thủ thuật tìm kiếm, trích lục, tổng hợp, viết, biên tập… sẽ thực hiện trong tích tắc.
Có lúc đã có ý kiến gióng lên hồi chuông về ngày cáo chung của sách truyền thống. Nhiều nhà xuất bản lớn cũng chuyển hướng sang làm sách điện tử, thị phần sách truyền thống giảm sút và thu hẹp dần. Nhưng rồi vài năm gần đây, sách truyền thống - nhất là của các đơn vị nhỏ, độc lập - lại “lối cũ ta về”.
Họ có vẻ không mấy mặn mà với sách điện tử, vì việc giữ bản quyền và khai thác bản quyền trên mạng không hề đơn giản. Nhiều đơn vị than phiền rằng việc đầu tư một bản thảo rất tốn kém, bỏ lên mạng bán sách điện tử là dễ thua trắng vì bị lạm dụng bản quyền.
Do khoảng cách địa lý và vấn đề vận chuyển, sách truyền thống ít bị vi phạm bản quyền như sách điện tử. Ngày trước, muốn có cuốn sách in để đem đi photocopy là phải chờ đợi, nhiều khi vài tháng mới có. Với sách điện tử thì tích tắc, lên mạng xong, một người mua rồi tải về, sau đó bẻ khóa chia sẻ, bán lại rất đơn giản.
Khoảng cách địa lý của mỗi quốc gia gần như mất tác dụng với sách điện tử. Mạng Internet toàn cầu còn cho thấy một thực tế phũ phàng: số người tôn trọng bản quyền đang ít hơn số người vi phạm bản quyền. Rồi trong những con người thường tôn trọng bản quyền cũng dễ vô tình vi phạm bản quyền, do phương tiện truyền tải trên mạng quá đa dạng, khó kiểm chứng và khó kiểm soát.
Từ thực tế như vậy mà mấy năm gần đây sách điện tử và sách truyền thống dần dần hết mâu thuẫn quyền lợi trực tiếp. Đa số đã đồng ý với nhau rằng, sách điện tử sẽ là tương lai của ngành sách thế giới, ai theo thì phải tuân theo các quy luật trên mạng.
Còn với sách truyền thống, dù giảm thị phần, nhưng vẫn sẽ còn lối đi riêng, nhất là với những sách độc lập, sách nghiên cứu, sách nghệ thuật… Và nhiều đơn vị làm sách độc lập đã biết mượn sách điện tử để quảng bá cho sách truyền thống của họ.
Hãy mở rộng sự hình dung của chúng ta về “văn hóa đọc”: không chỉ gói gọn trong hình ảnh những cuốn sách giấy.
Vô Ưu
loading...