loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Dư âm của “Ngày sách Việt Nam” vẫn chưa qua, chứng có là nhiều hội sách vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay (22/4). Trong tuần này, chúng ta lại đón chào ngày Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4).
Những năm gần đây, phong trào đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc đang được hình thành, phát triển và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều phong trào, mô hình đọc sách, phát triển văn hóa đọc đã ra đời trên khắp mọi miền Tổ quốc, được người dân đồng tình, hưởng ứng.
Cuối tuần qua, ngay trước thềm Ngày sách Việt Nam, có một tin tức gây chấn động con tim những người yêu sách. Đó là thông tin về Dự án Kinh điển Phương Đông dự kiến sẽ được thực hiện trong 10 năm.
Sản phẩm dự kiến của Dự án Kinh điển Phương Đông là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông, bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, 9 quyển Nho tạng, hai quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử; 13 bộ kinh điển của Nho gia, cùng điển tịch Nho học Việt Nam và 3 quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam…
Được biết, dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước mà sẽ huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Với những sự chăm lo cho sách như kể trên cùng nhiều nỗ lực khác, thì trong tương lai, nỗi lo của chúng ta có lẽ không phải về sách nữa mà là… về người đọc sách. Văn hóa đọc sẽ không thể xây dựng được trong ngày một ngày hai, nếu mỗi người không bắt đầu thói quen này ngay từ bây giờ.
Lâu nay chúng ta chỉ dùng từ “văn hóa đọc” dành cho việc đọc sách. Tuy nhiên, tôi thấy rằng trong tình hình hiện nay, khi báo in và tạp chí cũng đang bị đe dọa mạnh mẽ bởi sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thì có lẽ cũng phải xếp việc đọc báo in, tạp chí vào “văn hóa đọc” nói chung?!
Tuần nào tôi cũng dạo qua Đinh Lễ để tìm sách. Báo thì ngày nào cũng phải có một tờ để đọc khi cà phê sáng. Hồi còn nhỏ, tờ báo đầu tiên tôi được đọc là “Thiếu niên tiền phong”. Khu tập thể nơi tôi sinh sống bấy giờ hay làm khung gỗ, ngoài có cửa lưới sắt khóa, bên trong dán tờ báo để cho mọi người đứng đọc. Lúc đầu chúng tôi đọc là những mẩu chuyện nhỏ, cười vui, sau đó đọc các tin về chuyện lạ thế giới để ngồi tán phét. Nhiều lần rồi thành quen, đến ngày có báo mà chưa thấy dán trong khung là vào hỏi các chú trực ban xem tại sao hôm nay chưa có báo?
Phải đến khi học cấp 2, tôi mới phần nào hiểu thêm được giá trị của sách, báo. Và rồi tôi với một cậu bạn cũng thích đọc sách ấp ủ giấc mơ làm sao có đủ tiền để mua sách về đọc. Hai thằng tiết kiệm tiền từ các nguồn khác nhau: tiền mừng tuổi, đi bốc vác thuê, dọn cỏ vườn nhà ai đó… Mỗi năm chỉ hy vọng được vài lần ra hiệu sách là hạnh phúc lắm rồi.
Cũng có thể vì những lý do như trên cho nên sau này khi đi làm, có tiền, dù ít hay nhiều, thì tôi vẫn luôn ưu tiên dành cho sách báo trước. Cái giây phút khi được sở hữu, được cầm trên tay cuốn sách, tờ báo mới còn thơm mùi giấy nói thật khó có gì diễn tả được.
Điều kiện bây giờ khác nhiều so với trước đây, chi phí cho sách báo cũng không có gì là ghê gớm nếu so sánh với nhiều thứ khác trong cuộc sống. Sách báo bây giờ có quá nhiều lựa chọn, người đọc có thể tương tác thông qua nhiều phương tiện khác nhau, thế nhưng cá nhân tôi vẫn thích đọc báo giấy, sách in.
Tôi vẫn giữ thói quen la cà vào các hiệu sách. Nhưng thay vì đi một mình, tôi bắt đầu dắt con tôi đi cùng. Ba bố con lân la tìm xem có cuốn nào thích, tác giả nào mới. Có khi không mua được cuốn nào nhưng cảm giác rất nhẹ nhõm, cứ như đi thư giãn vậy. Hôm nào mua được cuốn hay thì khi về tới nhà kiểu gì cũng phải xem qua một lượt, ký tên mình vào trang đầu, sau đó mới ngồi nhâm nhi đọc.
Bất ngờ nhìn sang phòng, thấy các con tôi cũng bắt đầu học tập“tác phong” của bố, cũng ký tên mình vào cuốn sách mới mua rồi mới cắm cúi đọc. Tôi hài lòng vì mình đã “đào tạo” được những “người đọc sách” của tương lai.
Quốc Thắng
loading...