Nhà văn Trang Hạ: ‘Bạo lực trẻ em phản ánh sự bất lực của người làm cha mẹ’
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi nghĩ, bạo lực trẻ em trong gia đình thể hiện sự bất lực của những người làm cha mẹ nhưng… đây là trải nghiệm quan trọng có tính đặc thù, nó có thể kéo con bạn lùi xuống hoặc làm cho con bạn nỗ lực hơn” - nhà văn Trang Hạ bày tỏ.
- Trang Hạ ra mắt tản văn ‘Giang hồ chỉ vừa đủ xài’
- Góc nhìn nhà văn Trang Hạ về 'Vòng eo 56': Kẻ tung hô hay ném đá mới đáng ghét
- Nhà văn Trang Hạ: Muốn tìm đàn ông tốt, hãy đến lò võ, đừng vào quán bar
Chiều 13/12, A&C Media phối hợp với nhà xuất bản Văn học ra mắt cuốn sách Mẹ trong tâm trí con tại Hà Nội, để góp phần thể hiện tiếng nói của con trẻ về mẹ, về gia đình. Cuốn sách tập hợp những bài viết từ cuộc thi Mẹ trong tâm trí con lần thứ 3 với loạt bài viết như hồi chuông thức tỉnh các bà mẹ thời hiện đại trong việc giáo dục con cái.
Mẹ trong tâm trí con là một kho tàng cảm xúc, câu chuyện của con viết về mẹ, vui có, buồn có, hạnh phúc có, mâu thuẫn cũng có... Cuốn sách lột tả nhiều khía cạnh khác nhau về chủ đề mẹ con như: Tình cảm sâu kín của con dành cho mẹ, những vấn đề trong cách giáo dục con cái, góc nhìn của con về mẹ và gia đình…
Mối quan hệ mẹ con là thiêng liêng nhưng không phải lúc nào cũng êm đềm, mà đôi khi trải qua vô vàn sóng gió, thăng trầm. Cuốn sách Mẹ trong tâm trí con ghi lại cảm xúc của người con “từng không muốn có mẹ” hay có người con “có một mối quan hệ không tốt với mẹ”…
Nhận định cuốn sách ghi lại nhiều cảm xúc buồn với những lời trách cứ hoặc ân hận của những người con, ban tổ chức chương trình cũng tổ chức tọa đàm “Bạo lực trẻ em trong gia đình - Hãy lắng nghe con” để cùng các mẹ tìm ra cách nuôi dạy con thật tốt, gỡ nút thắt cho mối quan hệ mẹ con đang dần có những khoảng cách vô hình bởi công việc, công nghệ… Tham gia tọa đàm có các diễn giả: Nhà văn Trang Hạ, chuyên gia tâm lý Kim Thành và nhà báo Bích Ngọc.
Nhà báo Bích Ngọc đặt câu hỏi gợi mở, nguyên nhân bạo lực trẻ em trong gia đình từ đâu? Cha mẹ sẽ phải điều tiết, kiểm soát cảm xúc như thế nào để con cái không gặp phải tình trạng đó?
Theo chuyên gia tâm lý Kim Thành, nhiều năm tư vấn tâm lý, chị thấy chữa lành những vết sẹo trong tim còn nhức nhối hơn cả những vết sẹo bên ngoài thân thể. Chị cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn tới bạo lực trẻ em trong gia đình là thói quen ảnh hưởng từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Trong gia đình có cha mẹ bạo lực, thường sau này sẽ vô tình lặp lại với bạn đời, hoặc với con, họ dùng bạo lực giải quyết những căng thẳng, sự dồn nén và khiến con cái bị tổn thương.
Nguyên nhân thứ hai là bởi các bậc phụ huynh hiểu câu “thương cho roi cho vọt” theo cách đơn giản là phải dạy con bằng biện pháp mạnh. Tuy nhiên, chị Kim Thành cho rằng roi vọt trong câu nói của người xưa cần phải hiểu là để con trải nghiệm, có cơ hội thử thách trong cuộc sống mới rèn luyện được bản lĩnh, nhân cách…
Thứ ba, bạo hành trẻ em vẫn diễn ra ngang nhiên trong gia đình vì Luật trẻ em tồn tại nhưng chưa được phổ biến và quyền trẻ em ít được quan tâm xứng đáng trong gia đình và xã hội. Chuyên gia tâm lý Kim Thành cho rằng, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, đánh con là vi phạm quyền trẻ em, là bạo hành, chứ nhiều khi đánh không phải hoàn toàn là dạy con.
Cuối cùng, một nguyên nhân quan trọng là các bậc làm cha làm mẹ bị stress quá mức, khả năng kiềm chế cảm xúc của họ kém đi, họ yêu con nhưng không kiểm soát được hành vi, mất tính tự chủ, họ bạo hành con để giải tỏa căng thẳng, là vì bị stress.
Nhà văn Trang Hạ bày rỏ quan điểm: “Tôi cho rằng, bạo lực trẻ em trong gia đình không đơn giản là đánh trẻ em, đó còn là những câu nói xúc phạm, nhục mạ làm ảnh hưởng tới tinh thần con cái. Bạo lực trẻ em trong gia đình là trải nghiệm quan trọng có tính đặc thù, nó có thể kéo con bạn lùi xuống hoặc làm cho con bạn nỗ lực hơn. Tôi nghĩ, bạo lực trẻ em trong gia đình thể hiện sự bất lực của những người làm cha mẹ”.
“Chúng ta có hai người thầy, người thầy thứ nhất là thầy cô giáo và cha mẹ, còn người thầy thứ hai là tự mình dạy mình. Có những đứa trẻ có tố chất trời sinh là không muốn nghe lời người khác, cách dạy những đứa trẻ ấy là để chúng tự trải nghiệm để chúng tự dạy mình. Có những đứa trẻ - như con của Trang Hạ, luôn tự nhận lỗi về bản thân dù có chuyện gì xấu xảy ra, xu hướng tâm lý này có trong khoảng 40% dân số trên thế giới. Nhưng bên cạnh những tính xấu thì con có tính rất tốt là tính cam kết, với những đứa trẻ như vậy, không nên ép con mà để con tự lựa chọn những việc mình muốn làm” - nhà văn Trang Hạ chia sẻ - theo chị, việc hiểu bản đồ tính cách của con là vô cùng quan trọng để có phương pháp dạy con đúng và bố mẹ sẽ không vướng phải những sai lầm dẫn tới dùng bạo lực với con.
Trang Hạ cũng cho rằng, chúng ta nên học làm bố mẹ từ sớm, từ lúc bắt đầu đẻ con ra, và các bậc phụ huynh nên tìm tới tiến sĩ giáo dục, chuyên gia tâm lý để nhờ giải quyết những rắc rối với con cái. Thêm vào đó, việc trò chuyện, chia sẻ nhiều với con cái sẽ giúp củng cố tình cảm gia đình, đây cũng là cách tốt nhất để giảm bạo lực trẻ em - theo nhà văn Trang Hạ.
Khẳng định bạo lực, đánh con là bởi cha mẹ bất lực trong giao tiếp với con, chuyên gia tâm lý Kim Thành khuyên các bậc phụ huynh hãy học cách giao tiếp hiệu quả với trẻ, bằng cách đặt câu hỏi với con để con chia sẻ những chuyện khó khăn hay tích cực trong cuộc sống. Chị gợi ý 6 câu hỏi đơn giản, vừa giúp con tự học hỏi và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, vừa khiến cha mẹ và con cái gần gũi nhau đó là: Có chuyện gì xảy ra với con vậy? Theo con, tại sao chuyện đó lại xảy ra theo cách như thế? Con muốn giải quyết chuyện này như thế nào? Con muốn có kết quả đó để làm gì?
Trẻ em hay người lớn cũng đều cần được bảo vệ và tôn trọng, hãy để con cái có quyền lên tiếng, bày tỏ quan điểm của mình, chia sẻ là cách tốt nhất để cha mẹ và con cái hiểu, yêu thương nhau - đó là điểm chung mà các diễn giả cùng muốn nhắn gửi.
Tiểu Phong. Ảnh: Hòa Nguyễn