Nghĩ từ 'Thành phố sách'
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, "thành phố sách" của Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam với phong cách đậm kiểu châu Âu đã ra mắt tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, 2 "thành phố sách" khác của đơn vị này cũng đã ra mắt và được độc giả đón nhận khá tích cực.
Sự tích cực ấy, trước hết đến từ sức hấp dẫn và quy mô hoành tráng, sang trọng bật nhất của một siêu thị sách ở nước ta hiện nay. Thường, một nhà sách trong nước lớn nhất cũng chưa vượt qua khỏi diện tích 1500m2. Nhưng với siêu thị sách này con số về diện tích mặt bằng đã vào khoảng 3000m2, nghĩa là rộng gấp đôi so với thông thường.
Rồi, tại không gian khổng lồ ấy, các loại hình kinh doanh liên quan đến sách và văn hóa phẩm được tích hợp với những loại hình kinh doanh khác như cà phê, khu vui chơi, khu công cộng selfie tự do, sách giấy kết hợp sách điện tử…
Và, tương xứng với quy mô ấy, việc chiều lòng khách hàng một cách tối đa chính là điều khiến cho nhiều người thích thú và dễ chịu. Trái ngược với các nhà sách lớn hiện nay trên cả nước, ở đây, khách hàng vô tư mang theo tư trang của mình đi chu du tự do trong thành phố sách này – thay vì phải gửi túi và ba lô ở quầy bảo vệ.
Chưa kể, trẻ em tới đây cũng có không gian riêng để vui chơi, trong khi chờ người lớn đi chọn sách và mua sách.
Tóm lại, ghé vào đây, người ta sẽ có nhiều lựa chọn để bổ sung cho nhu cầu của mình – bên cạnh nhu cầu chính là tìm sách.
***
Gần đây, dư luận thường hay nói về vấn đề văn hóa đọc ngày càng xuống thấp, cộng đồng lựa chọn nhiều hình thức giải trí, tiếp nhận thông tin văn hóa đa phương tiện nhiều hơn là lựa chọn đọc sách giấy truyền thống. Thậm chí, như một số thông tin, nhiều đơn vị tại phố sách Hà Nội đang gặp khó khăn lớn vì vắng khách hàng.
Nhưng, thực chất của vấn đề có phải là từ khách hàng hay không?
Có lẽ, khách hàng không hẳn giảm thiểu sự quan tâm tới sách vở, ít chú ý đến văn hóa đọc như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Điều chính yếu ở đây là việc phía nhà đầu tư kinh doanh sách có nghĩ ra được phương thức kinh doanh hợp lý, lôi cuốn được sự chú ý của khách hàng hay không, để từ đó vượt qua những vướng mắc và khó khăn trong mặt bằng cạnh tranh kinh doanh khốc liệt như hiện nay.
Tất nhiên, không phải đơn vị nào cũng có điều kiện làm một "thành phố sách" như Phương Nam. Thế nhưng, việc tạo dựng thêm những tiện ích cho khách hàng, hay sắp đặt một không gian thật sự hấp dẫn, thay vì chỉ có những quầy sách như truyền thống, là một câu chuyện khác. Trong bối cảnh của mình, nếu cố gắng sáng tạo, có lẽ mỗi nhà sách đều có thể lựa chọn một giải pháp riêng cho mình.
Điều đó cũng giống như một thực tế: chuyện "thành phố sách" thứ 3 của Phương Nam có thành công hay không còn nằm ở thì tương lai - nhưng trước mắt, những người yêu sách đều thấy hào hứng và cảm tình với một không gian mà ở đó sách được tôn vinh như vậy.
Mà trong bối cảnh hiện nay, bất cứ sự đầu tư nào cho sách, cho văn hóa đọc cũng cần được trân trọng.
***
Từ câu chuyện thành phố sách, có thể nhớ lại danh hiệu "Thủ đô sách Thế giới" (World Books Capital) mà UNESCO đã tuyển chọn và trao cho 17 thành phố khác nhau trên thế giới kể từ 2001. Thậm chí, gần chúng ta, Bangkok (Thái Lan, 2013) và Incheon (Hàn Quốc, 2015) cũng từng sở hữu danh hiệu này.
Trong khi chờ tới việc có một danh hiệu như vậy, chúng ta hãy cố gắng tìm những giải pháp để vực dậy những siêu thị sách truyền thống. Không ít nơi trong số đó, không gian dành cho sách đang bị thu hẹp dần nhường chỗ cho việc bán hàng lưu niệm.
Tiểu Mục Đồng