Nghi án mẹ giết con ở Thạch Thất: Chuyện án mạng và Facebook
(Thethaovanhoa.vn) - Nghi án mẹ giết con ở Thạch Thất (Hà Nội) đang gây rúng động dư luận.
- VIDEO: Nghi phạm sát hại bé trai 33 ngày tuổi trở lại hiện trường
- Nghi phạm sát hại bé trai 33 ngày tuổi là người mẹ
Theo thông tin hiện tại, một nghi phạm 19 tuổi đã thừa nhận trước cơ quan điều tra về việc sát hại con trai 35 ngày tuổi của mình. Đồng thời, thiếu phụ 9x này khai "thấy đau đầu và có cảm giác mất kiểm soát" khi làm điều ấy.
Đây là vụ việc quá nghiêm trọng. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi mạng xã hội đang tràn ngập những lời nguyền rủa hướng về nghi phạm. Rồi, ngoài đời thật, cả trăm người dân đã tới buổi thực nghiệm vụ sát hại, nơi có nghi phạm, và la ó trong căm phẫn.
Nhưng, theo quan điểm của tôi, một vụ việc đi ngược lại đạo lý, đi ngược lại chức năng thiên bẩm của người phụ nữ thì hẳn có nhiều uẩn khúc...
Ngay khi có thông tin về nghi phạm sát hại đứa trẻ là người mẹ, cộng đồng mạng đã dựng lên vô vàn thuyết âm mưu. Chưa kể, những thuyết âm mưu quanh vụ án đa phần đều gắn với những kịch bản rất ly kỳ và độc ác.
Với tôi, điều ấy là thừa thãi và vô bổ. Trước hết, khi chưa có đủ thông tin, chuyện đoán già đoán non sẽ chẳng đóng góp gì cho xã hội - ngoài việc tạo ra những nguồn năng lượng tiêu cực cho cả người phát tán thông tin và người tiếp nhận.
Đặc biệt, với những giả thiết ấy, nhiều người trong gia đình nghi phạm cũng không được buông tha. Họ bị gắn với rất nhiều tin đồn cay nghiệt. Vừa mất đi một đứa con, một đứa cháu, họ còn đứng trước những tin đồn tệ hại tới rợn người.
Còn người mẹ trẻ, đương nhiên, chị nhận nhiều lời chỉ trích, miệt thị và thuyết âm mưu nhất. Nhắc lại, tính đến thời điểm hiện tại, chị vẫn là nghi can. Cho dù chị đã nhận tội song không ai có quyền định tội thay tòa án!
Tìm hiểu vụ án là nhiệm vụ của cơ quan điều tra. Định tội là việc của tòa án. Phán xét là quyền của dư luận. Và, những bức xúc của cộng đồng mạng ngay khi tiếp nhận thông tin là phản ứng bản năng của mỗi người.
Điều này là lẽ thường. Nhưng, khi nhiều người đưa sự việc đi quá xa, tự trao cho mình quyền "phá án" và "luận tội". Họ đã đẩy câu chuyện mang màu sắc khác.
Đó là màu sắc của những người tự trao cho mình quyền năng tối thượng, với chiếc bàn phím. Họ không chú tâm tới hệ quả của những dòng "bình luận". Họ phớt lờ những tổn thương gây ra cho người khác để say sưa gõ lên bàn phím những suy diễn kinh khủng trong đầu.
***
Câu chuyện đang thu hút dư luận này còn quá nhiều uẩn khúc, nhiều lớp lang thông tin. Và dù diễn ra theo cách nào, câu chuyện ấy chắc chắn sẽ gắn với những nỗi đau tận cùng của một số người.
Nhiều người đã lựa chọn bày tỏ cảm xúc theo bản năng. Bản năng của chúng ta, trước hết là nỗi đau và sự căm phẫn.
Vì lòng trắc ẩn, chúng ta đau cho em bé. Nhưng buông thả cảm xúc theo nỗi đau của chính bản thân mình trong một vụ án chưa có kết luận cuối cùng không phải lựa chọn tốt. Đúng hơn, nó không thể hiện điều gì ngoài nỗi hoang mang của chính bản thân chúng ta với cái ác.
Sự căm phẫn cũng không có nghĩa là chúng ta vội vã tiêu thụ từng mẩu nhỏ thông tin trôi nổi rồi "tái sản xuất" chúng để tiếp nối thành một xu hướng thông tin tiêu cực, càng ngày càng xa rời thông tin ban đầu. Nó khiến mạng xã hội trở thành một bãi rác của những sự căm phẫn, những lời nói cay nghiệt, không hơn.
Bởi thế, tôi sẽ lựa chọn sự bình tĩnh.
Tôi bình tĩnh để chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra và tòa án. Bình tình để lắng nghe động cơ đằng sau tấn bi kịch. Và, muốn bình tĩnh để mình không bị hồ đồ, nhầm lẫn trước những mẩu thông tin chính thống chưa đầy đủ hay những tin đồn, những giả thuyết trôi nổi trên mạng.
Đợi chờ để hiểu toàn bộ câu chuyện, từ đó cùng nhìn lại xem chúng ta có thể rút ra bài học gì để tránh những thảm cảnh tương tự, đó là điều tôi mong mỏi nhất lúc này.
Vì, cái ác không thể triệt tiêu bằng những lời miệt thị tập thể. Nó cũng không thể tan biến bởi những thuyết âm mưu. Để đẩy lùi nó, trước hết sự bình tĩnh và chính xác trong suy nghĩ, của từng cá thể trong cộng đồng.
Thuận An
Thể thao & Văn hóa