loading...
(Thethaovanhoa.vn) – NSƯT Xuân Bắc chia sẻ, anh chưa bao giờ cảm thấy Tết nhạt. Anh cho rằng, điều quan trọng là Tết thay đổi theo xu hướng của xã hội và chúng ta phải là người tìm thấy được những điều thú vị giữa sự thay đổi đó.
Nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ, anh không bao giờ chạy show đêm Giao thừa. Anh bảo: “Tôi đã làm việc cả năm rồi, đêm Giao thừa là khoảnh khắc tôi dành cho gia đình và những người thân yêu.
Tối 30 Tết, cả gia đình tôi sẽ ngồi quây quần xem chương trình Táo quân. Tôi và các con thường thay quần áo mới để đón khoảnh khắc Giao thừa, tôi chúc Tết, lì xì bố mẹ, vợ con rồi mới đi ngủ. Tôi rất thích không khí đó”.
“Riêng tôi có điểm đặc biệt là đêm Giao thừa nào tôi cũng ra ngoài sân để nhìn ngắm bầu trời và cảm nhận được không khí mùa xuân, cảm nhận mầm sống đang len lỏi… và chỉ có bước chân ra khỏi cửa nhà tôi mới cảm nhận được mình đang đón Tết” – nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ.
Với nghệ sĩ Xuân Bắc, điều đáng nhớ nhất ở Tết xưa chính là được đốt pháo. Anh bảo: “Tết xưa thì anh em chúng tôi hay cuốn pháo nổ. Tôi hơi tiếc, giá như chúng ta quản lý tốt hơn, ý thức của người dân tốt hơn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc đốt pháo, để duy trì việc đốt pháo dịp Tết thì cực hay.
Không phải tỉnh nào, huyện nào, xã nào cũng có thể bắn pháo hoa đánh dấu mốc thời điểm Giao thừa. Đốt pháo vừa để đánh dấu thời điểm, vừa khiến không khí thêm rộn rã…
Tất nhiên, chủ trương cấm pháo là đúng khi ý thức của người dân chưa tốt, để đảm bảo an toàn và vui vẻ cho người dân ngày Tết”.
Sau đó, việc được nhận lì xì dịp Tết với nghệ sĩ Xuân Bắc cũng sung sướng và đáng nhớ không kém. “Tôi nhớ hồi mới đổi tiền, bố tôi đưa hai chị em đi chúc Tết. Chính tôi thấy bác nhét vào phong bao lì xì tờ 10 đồng, rồi lại nhét 2 tờ xanh vào phong bao khác để lì xì cho hai chị em.
Tôi nghĩ tờ xanh đó là 20 đồng chứ không phải 5 đồng nên tôi đã tính toán để đổi của chị… Hồi bé tranh hơn kinh khủng lắm, mà… chị tôi không biết đâu” – nghệ sĩ Xuân Bắc hài hước kể.
Về chuyện “Tết xưa hay hơn Tết nay”, Nam Tào của Táo quân 2018 bày tỏ: “Mọi người cứ bảo Tết xưa hay hơn Tết nay nhưng rồi đến đời con cháu chúng ta bây giờ, khoảng 40 – 50 năm nữa cũng sẽ bảo như vậy. Quan trọng đó là xu hướng của xã hội, ai cũng bảo nghèo khó thì yêu thương nhau hơn, vậy tại sao bây giờ ai cũng mong giàu có?
Đó chính là khát vọng, mong muốn sự hoàn thiện. Được cái nọ phải mất cái kia. Không ai bảo nhà tôi rất giàu, nhiều tiền và bảo tôi muốn mọi người cùng sống nghèo, đạm bạc như ngày xưa. Không có.
Điều quan trọng là Tết thay đổi theo xu hướng của xã hội và chúng ta phải là người tìm thấy được những điều thú vị giữa sự thay đổi đó.
Yêu thương giữa con người với con người là do chúng ta quyết định. Riêng tôi chưa bao giờ thấy Tết nhạt”.
Nghệ sĩ Xuân Bắc: ‘Tôi chưa bao giờ thấy Tết nhạt’
Anh chia sẻ thêm: “Hầu như năm nào chúng ta cũng nghe câu: “Hàng hóa năm nay ế ẩm”, hay “Năm nay không bằng năm trước bác ạ”…
“Không như năm trước” - lúc nào chúng ta cũng nói thế. Tại sao chúng ta không nhìn ra được cái hay của thời điểm đó, đừng để nó trôi đi rồi mới nói... “biết thế thì”.
Những người ở vùng quê Bắc Bộ đã đi qua thời bao cấp, hẳn không thể nào quên những cái Tết nghèo nhưng đầy kỷ niệm ấy.
Tiểu Phong. Ảnh: Hòa Nguyễn
loading...