Ngẫm từ vụ bệnh nhân ung thư phải xin bảng tóm tắt bệnh án: 250km và sự vô cảm
(Thethaovanhoa.vn) - Một bệnh nhân ung thư cùng người nhà đã ngược xuôi quãng đường 250km từ An Giang về Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chỉ để “xin lại” bảng tóm tắt bệnh án để được Bảo hiểm Xã hội An Giang chấp nhận cho nghỉ hưu sớm.
- Vi phạm đóng bảo hiểm xã hội bị xử lý hình sự từ năm 2018
- Hà Nội quyết tâm khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
- Hà Nội ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội
Theo tường thuật trên báo, bệnh nhân H cho biết: “Bảo hiểm xã hội An Giang không đồng ý giấy BV Chợ Rẫy cấp ghi chữ “tóm tắt bệnh án”, vì cho rằng thiếu hai chữ “hồ sơ”, đòi phải ghi: “tóm tắt hồ sơ bệnh án”. Ông H. cho biết, dù chưa đến ngày tái khám, nhưng nửa đêm ông cùng con trai phải bắt xe đò lên BV Chợ Rẫy để kịp bổ sung hai chữ “hồ sơ”.
Được biết, sau khi Bệnh viện liên hệ với Bảo hiểm Xã hội An Giang, thì nơi này gọi lại cho bệnh nhân và nói “cái giấy đó cũng được rồi”. Còn trước đó, bệnh nhân đã bị từ chối thẳng thừng không văn bản.
Sự việc này đã dấy lên dư luận xung quanh cách cư xử quan liêu, tắc trách của nhân viên Bảo hiểm Xã hội An Giang.
Một câu chuyện khác cũng liên quan đến bệnh nhân ung thư nhưng để lại dư vị khác hẳn.
Đỗ Tuấn Dũng là một cậu bé mắc bệnh ung thư tại Đà Nẵng. Sinh nhật lần thứ 11, cậu bé đã nhận được một món quà đặc biệt. Công an TP Đà Nẵng đã giúp Dũng thực hiện được ước mơ - trở thành một chiến sĩ CSGT trong 1 ngày. Hiện tại Dũng đã qua đời được gần 2 năm, nhưng câu chuyện của em đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, trong đó có cả những người không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo.
Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư trên thế giới được cả cộng đồng chung tay giúp đỡ thực hiện ước mơ. Như vậy để thấy sự vô cảm của nhân viên Bảo hiểm Xã hội An Giang gây bức xúc như thế nào!
Dù cho về mặt thủ tục hành chính cần phải bổ sung, thì cũng không thiếu gì cách để một cán bộ có thể linh động giúp đỡ người dân của mình. Đây không phải là chuyện xin - cho, mà là người lao động được quyền hưởng bảo hiểm xã hội một cách hợp pháp. Đáng tiếc là thay vì hướng dẫn, nhân viên Bảo hiểm Xã hội An Giang lại làm một việc vô tâm đó là trả hồ sơ không nhận. Bản thân người bệnh cũng không biết tại sao. Đi hàng trăm cây số để hỏi lại bệnh viện thì bệnh viện cũng không biết là có sai sót gì.
Trong nhiều bình luận trên Internet, người ta cũng nhắc đến những câu chuyện cười ra nước mắt về dịch vụ bảo hiểm tại nước ta ở nơi nọ, nơi kia. Chỉ vậy thôi đã đủ hiểu sự máy móc này có chứ không phải là chuyện mới. Sự nguyên tắc một cách vô lý như thế đã liên tục “hành” bệnh nhân chạy lên chạy xuống mà không xong được thủ tục cần thiết - một bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.
Những ngày gần đây, Việt Nam đăng cai tổ chức “Hội nghị WEF ASEAN 2018 - chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ tạo ra một sự thay đổi táo bạo mọi mặt của đời sống xã hội, chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Nhưng lối làm việc trì trệ, máy móc như của nhân viên Bảo hiểm Xã hội An Giang nêu trên liệu có tồn tại được với guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Được biết, sau sự việc trên, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội An Giang cho biết, sau khi xác minh làm rõ nếu cá nhân nào có sai phạm sẽ xử lý, nhưng về mặt tình cảm, việc để ông H. bị bệnh ung thư phải đi lại từ An Giang lên TP.HCM là điều không hay, nên BHXH sẽ trực tiếp xin lỗi, mong ông thông cảm cho sự việc đã xảy ra.
Hạ Hồng Việt