Ngã ba Đồng Lộc: niềm tự hào, ý chí và sức mạnh quật cường
(Thethaovanhoa.vn) - Địa danh Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. 50 năm đã trôi qua, Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên giá trị, đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân ta.
- Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc
- Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2018): Gặp mặt cựu thanh niên xung phong trên Chiến trường Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc - địa danh lịch sử oai hùng
Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây.
Nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, ngay sau khi đánh sập tất cả các cầu trên đường 1A, làm cắt đứt hoàn toàn của tuyến đường này, kẻ thù tiếp tục đánh phá đường 15A (Lạc Thiện-Đồng Lộc-Khe Giao- Hương Khê-Quảng Bình và từ Lạc Thiện-Đồng Lộc-Khe Giao rồi theo đường 21, 22 vào Quảng Bình), trọng điểm là từ Cống 19 (Phú Lộc) đến Khe Giao. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, không kể ngày, đêm, chúng đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20 mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất 103 lần bay với trên 800 qủa bom các loại. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Cùng một lúc chúng ném các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường… Ban ngày, chúng tập trung đánh chặn các lối ra vào. Ban đêm chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rốc két, đạn 20mm nhằm vào các lực lượng ứng cứu giao thông của ta. Kẻ thù muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành điểm chết, hoang tàn không cho người và xe qua lại. Ước tính, mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.
Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường. Trong đó, thanh niên xung phong là lực lượng chủ công, đội quân xung kích, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và đầy nguy hiểm với nhiệm vụ chính là lấp hố bom, bắc cầu, làm ngầm, làm đường… Tiêu biểu như: Tiểu đội nữ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 552, Đội 55 với tinh thần "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm"…
Trong cuộc chiến đấu gian khó nhưng vô cùng anh dũng này, 465 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Tiêu biểu như: Tiểu đội nữ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 552, Đội 55… Địa danh Ngã ba Đồng Lộc cũng gắn liền với tên tuổi của các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tiêu biểu như các anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Tiến Tuẩn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, liệt sỹ Võ Triều Chung…
Cũng trong cuộc chiến đấu này, nhân dân Hà Tĩnh có sự đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của. Với quyết tâm sắt đá "đường chưa thông không tiếc xương tiếc máu" và tinh thần "địch phá một ta làm mười", nhân dân Hà Tĩnh đã ngày đêm bám đường để bảo đảm thông suốt và an toàn cho những tuyến đường. Nhân dân nhiều địa phương như các xã Thiên Lộc, Tiến Lộc (Can Lộc), Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)… tình nguyện rời nhà cửa đi nơi khác để lấy đất làm đường; hay nhân dân xóm Hạ Lội (Tiến Lộc-Can Lộc) đã tự nguyện dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho xe ra tiền tuyến…
Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong
Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh làm việc thường trực tại ngã ba Đồng Lộc. Trưa ngày 24-7-1968, Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, do Võ Thị Tần-24 tuổi, làm tiểu đội trưởng được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua.
Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc với niềm vui được gửi gắm trên từng chiếc xe đi qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái. Một, hai phút, rồi năm phút trôi qua. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Các cô đã hy sinh.
10 cô gái Đồng Lộc kiên cường dũng cảm là Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi) đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ.
Mười đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người - đã mãi mãi ra đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, khát vọng của ước mơ, hoài bão. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc.
Vẹn nguyên giá trị
50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên giá trị: Đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân ta, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.
Đồng Lộc khẳng định ý chí kiên cường bất khuất, bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến đấu dũng cảm mưu lược đã giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đồng Lộc mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Những chiến sỹ dũng cảm hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những tấm gương nghĩa liệt đó không chỉ trong cuộc chiến tranh ái quốc mà còn sáng mãi muôn đời để nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ noi theo.
Đồng Lộc là tiếp nối truyền thống yêu nước, cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh; khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phới phới dậy tương lai” của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Tuấn Anh (TTXVN)