Livestream, chụp ảnh gây hỗn loạn trong đám tang nghệ sĩ Anh Vũ: Tàn nhẫn và vô văn hóa
(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ những người đồng nghiệp mà nhiều khán giả cũng thể hiện sự bức xúc khi cảnh tượng người đến tiễn đưa người đã khuất thì ít còn kẻ tụ tập ở nơi diễn ra lễ tang với các hành động thiếu ý thức không xuể.
Đám tang nghệ sĩ Anh Vũ ở Việt Nam bắt đầu từ hôm qua (9/4) và lễ an táng sẽ diễn ra sáng sớm 12/4 tại Phúc An Viên (Q.9 - TP.HCM). Thế nhưng, bên cạnh sự tiều tụy, đau khổ trước mất mát quá lớn khi người con, người anh em, đồng nghiệp đột ngột ra đi mà gia đình lẫn các nghệ sĩ không giấu được, thì có quá nhiều kẻ lợi dụng chuyện buồn này trục lợi khiến không ít người bức xúc.
- Nghệ sĩ hài Anh Vũ: con hạc giấy đặc biệt và 20 năm chiến đấu với bệnh ung thư
- VIDEO: Xem lại hình ảnh đáng nhớ của nghệ sĩ hài Anh Vũ trên truyền hình
- Nghệ sĩ hài Anh Vũ đột ngột qua đời ở tuổi 47 khi đang lưu diễn tại Mỹ
Không chỉ vây lấy nghệ sĩ đến viếng để chụp hình mà qua phản ánh trên các tờ báo cho thấy, nhiều youtuber cũng nhân đây đến để livestream, bình luận nhằm trục lợi bằng cách câu view rồi thu tiền quảng cáo. Thậm chí, họ còn cười đùa rất phản cảm. Gia đình đã phải nhờ đến sự can thiệp của an ninh nhưng cũng không khống chế được bởi họ bất chấp để đạt được lợi ích của mình.
Một loạt các nghệ sĩ như: Ái Châu, Lan Ngọc, Tiến Luật, Pha Lê, Ngọc Trai... đều thẳng thắn cho rằng đây là hành động tàn nhẫn, vô văn hóa và không có sự tôn trọng dành cho người đã mất.
"Quá tàn nhẫn. Đôi khi phải chấp nhận nhưng nó khắc nghiệt quá" - diễn viên Tiến Luật vừa bức xúc vừa nghẹn ngào chia sẻ.
Còn Lan Ngọc đầy tức tối bày tỏ rằng: "Khi thời đại 4.0 lên ngôi, khi mà người ta chẳng cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần lượt view cao là họ có thể chiễm chệ mỗi tháng nhận 400-500 triệu, thì đây hệ quả của việc này là đây".
"Khi mà trước đây các bạn lên án các phóng viên đi tác nghiệp đám tang thì đây các bạn nhìn xem, trong những tấm hình này có ai là phóng viên không? Đồng tiền rót về tài khoản của các bạn mỗi tháng vì những chiêu trò như thế này các bạn ăn có ngon miệng không?"
Phía báo giới cũng liên lụy khi việc đưa tin bị ngăn cản vì giữa đám đông nhốn nháo, không thể phân biệt dược đâu là phóng viên thực thụ mà thông tin phải được kiểm duyệt kĩ càng thay vì những kẻ lợi dụng sức mạnh của 4.0 để ngang nhiên, tự ý gây náo loạn nơi diễn ra tang lễ.
Đây cũng không phải lần đầu tiên sự việc như vậy xảy ra. Ở đám tang ca sĩ Minh Thuận và Wanbi Tuấn Anh trước đây, giữa nỗi mất mát và đau xót tột cùng ấy, nhiều nghệ sĩ không ngăn được xót xa, họ ăn vận giản dị, đôi mắt sưng húp vì khóc thương thậm chí là tiều tụy khi túc trực bên cạnh người dồng nghiệp đã khuất suốt mấy ngày đêm cho đến phút cuối cùng. Ấy vậy mà những kẻ thiếu ý thức cứ nhìn thấy "sao" là "vồ" lấy, giằng níu để chụp hình, xin chữ ký bằng được, thậm chí còn nở nụ cười tươi.
Nghệ sĩ khi sinh thời họ là những bông hoa tô điểm cho cuộc đời bằng cách mang niềm vui đến khắp nơi nhưng khi nhắm mắt xuôi tay cũng chỉ là một người bình thường. Xót xa thay khi Anh Vũ mất ở nửa vòng trái đất, cha mẹ, gia đình còn chưa được nhận thi hài hay khóc ngất ngay cả khi chưa kịp thấy mặt con, mặt anh mình còn những người kia sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà làm những hành động thiếu nhân cách đến vậy.
Sự việc lặp lại nhiều lần cho thấy đây không còn đơn thuần là sự hiếu kỳ mà nó phản ánh rất rõ ý thức và văn hóa của một bộ phận khán giả.
H.A (tổng hợp)