Kỷ luật học đường thời 4.0
(Thethaovanhoa.vn) - Một cô giáo chủ nhiệm lớp 9 đã yêu cầu 2 em học sinh vi phạm quy định của lớp quỳ gối ngay trước bục giảng. Một trong hai em cho rằng hình phạt đó mang tính chất lăng nhục và không chấp hành nên đã bị đuổi ra khỏi lớp. Đó là nội dung chính câu chuyện liên quan đến giáo dục đang đượcdư luận chú ý mấy ngày qua.
Chủ đề này không mới bởi vì đây không phải là lần đầu câu chuyện giáo viên áp dụng một hình thức xử phạt học sinh vi phạm kỷ luật gây tranh cãi trong cộng đồng.
Mục đích của kỷ luật trong nhà trường là làm cho học sinh vi phạm nhận ra lỗi lầm của mình, để rồi có ý thức hơn, có tinh thần tự giác hơn trong hành động của bản thân, có trách nhiệm hơn với chính mình và với tập thể.
Vấn đề nằm ở chỗ giáo viên và nhà trường chọn hình thức kỷ luật nào cho phù hợp với từng lứa tuổi, đảm bảo tính nhân văn, không xúc phạm học sinh? Đây chính là câu hỏi vẫn chưa có được một đáp án thỏa đáng, phù hợp, sát với tình hình thực tế hiện nay.
Nhiều ý kiến ủng hộ việc áp dụng hình phạt thật nặng cho những học sinh thường xuyên vi phạm kỷ luật. Họ dẫn ra câu “yêu cho roi cho vọt”, và kể lại những sự trừng phạt nghiêm khắc của thầy cô năm xưa đã khiến cho mình trưởng thành lên.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, nhận thức về việc áp dụng hình phạt với học sinh là một quá trình lịch sử. Trong xã hội ngày nay, chuyện phạt quỳ cần phải được nhìn nhận lại, vì nó tác động xấu đến tâm sinh lý tuổi học trò và cũng không đúng với quy định của ngành giáo dục. Ảnh hưởng của nó có thể không luôn và ngay mà có khi âm ỉ theo thời gian, tạo thành những phản ứng tiêu cực trong suy nghĩ và hành độngcủa trẻ sau này.
Nhân vụ việc này, dư luận mới tra lại quy định về các hình thức kỷ luật trong giáo dục hiện nay. Cơ sở để áp dụng là Thông tư 08 được ban hành từ năm 1988. Theo đó, có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh bao gồm: Khiển trách trước lớp, Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, Cảnh cáo trước toàn trường, Đuổi học một tuần lễ và Đuổi học 1 năm. Như vậy, trong Thông tư không có quy định nào cho phép “phạt quỳ”.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, liệu 5 hình thức kỷ luật trongvăn bản này đã phù hợp với việc dạy và học thời đại 4.0 chưa?
Nhìn rộng ra sẽ thấy, các hình thức xử phạt học sinh rất đa dạng, đơn cử như có một hình thức phạt mà tôi thấy được rất nhiều người ủng hộ, đó chính là lao động công ích (vệ sinh sân trường, dọn dẹp bàn ghế, tưới cây…). Việc này vừa làm cho học sinh biết được lỗi của mình, đồng thời cũng tạo cho các em hiểu được giá trị của lao động.
Trước đây, khi tôi đi nghĩa vụ quân sự, trong đơn vị có hình thức lấy tập thể rèn cá nhân. Ví dụ như anh lười học, học kém, cả tiểu đội sẽ phải cùng anh ôn bài cho tốt. Lúc đó mọi người sẽ góp ý, hỗ trợ anh học, đồng thời anh sẽ phải suy nghĩ rằng, vì vi phạm của mình mà làm ảnh hưởng đến tập thể, buộc anh phải cố gắng. Hình thức này tạo được sự đoàn kết, tính đồng đội trong sinh hoạt, bắt buộc từng cá nhân phải có trách nhiệm “sống vì mọi người”, biết tôn trọng giá trị của tập thể.
Đã đến lúc nhà trường và xã hội cần phải suy nghĩ về việc đổi mới phương pháp giáo dục học trò, trong đó có việc áp dụng các hình thức kỷ luật phù hợp với thời đại 4.0. Một hình thức kỷ luật trong nhà trườngchỉ được coi là thành công khi nó khơi dậy được ý thức tự giác của học sinh và không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý của các em.
Quốc Thắng