Hồ Tây và ranh giới nông thôn với thành thị
(Thethaovanhoa.vn) - Những dòng sông không còn chảy hay những dòng sông ngắc ngoải là hình ảnh khá quen thuộc ở những làng quê hiện nay. Đâu đó người ta đồng cảm với những sẻ chia rằng con sông quê hương ngày trước thuyền chạy giữa dòng sóng vỗ đôi bờ thì nay cạn khô và hai bên đầy rác.
- CHÙM ẢNH: Cá chết Hồ Tây được đóng thùng xốp
- Cá chết Hồ Tây: Xử lý 200 tấn cá chết, 'bơm' oxy, làm sạch nước Hồ Tây
- VIDEO vụ cá chết ở Hồ Tây: Vì sao nồng độ oxy hòa tan trong nước lại thấp?
Rác quét đi hất vào bụi tre, bờ ao hết thì đem ra bờ sông. Vấn đề còn lại chỉ là khi nào thì hai bờ sông chập vào làm một.
Hàng trăm tấn cá chết gây ô nhiễm môi trường tại Hồ Tây. Ảnh: Hòa Nguyễn
Tiến trình ấy đã thấy ở Hà Nội nhiều năm qua mà việc những con sông, con rạch sau nhiều năm tồn tại thì trải qua vài năm phát triển được chuyển tên gọi thành cống.
Xây cống bê tông đa phần lộ thiên còn nếu văn minh hơn thì làm thành cống ngầm còn trên làm đường. Khu vực phía Nam thành phố giờ có lẽ là nơi còn nhiều sông-cống nhất. Đó cũng là nơi mà trong ít năm qua đã chuyển từ làng lên phố và xã thành phường, đất thổ canh thành đất thổ cư.
Nhưng cũng không thể trông chờ hơn bởi đến một nơi văn minh, rộng như Hồ Tây mà cũng trở thành điển hình của ô nhiễm môi trường. Hồ Tây trong khoảng hai mươi năm qua vẫn là nơi mà người Việt sống với người nước ngoài như kiểu hàng xóm, và có tỉ lệ những ngôi nhà biệt thự nhiều nhất Hà Nội.
Nhưng rác (không rõ quốc tịch) từ những người sinh sống quanh đó xả thẳng xuống hồ cùng với khoảng 4 ngàn mét khối nước thải sinh hoạt và công nghiệp cũng chảy về thì thật khó để tiếp tục gọi Hồ Tây là một thắng cảnh.
Xem ra, nếu có cái gì đó nói chung (nhưng không phải tất cả) mà không có ranh giới giữa nông thôn với thành thị hiện nay nhất định phải là ý thức và ứng xử với môi trường.
Chúc quý vị một tuần mạnh khoẻ!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần