Góc nhìn 365: Không gian sáng tạo cần gì?
(Thethaovanhoa.vn) - Vấn đề phát triển không gian sáng tạo chỉ là một phần nhỏ trong Hội thảo về “Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa”, được Bộ VH,TT&DL phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức vào cuối tuần qua. Dù vậy, chúng vẫn được các chuyên gia chú ý đặc biệt.
Cụ thể, dự thảo báo cáo của Việt Nam tại Hội thảo có nhắc tới một số biện pháp nhằm tạo sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước và những không gian sáng tạo tại Hà Nội, từ đó xây dựng Thủ đô của Việt Nam thành trung tâm sáng tạo của đất nước. Gần nhất, cuối 2019, mạng lưới không gian sáng tạo tại Việt Nam (ViCHI) cũng ra mắt, nhằm hỗ trợ cho sự kết nối giữa các không gian này.
Thực ra, dù khái niệm “không gian sáng tạo” mới bắt đầu được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, nhưng mô hình này đã xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm trước, khi chúng ta đẩy mạnh hội nhập và dần có những hoạt động đa dạng về văn hóa. Và, dù là quán cà phê, phòng tranh, studio hay là một khu phức hợp đa chức năng, bản chất chung của mô hình ấy vẫn gắn với việc tổ chức sự kiện hoặc hỗ trợ hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Để rồi, trong bối cảnh Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới thành phố sáng tạo trên thế giới, những “không gian” ấy cũng dần nhận được thêm những đánh giá chính xác và tích cực hơn về bản chất, cũng như tiềm năng sẵn có của nó.
Cụ thể, không chỉ giữ vai trò giúp đời sống văn hóa... vui vẻ và nhộn nhịp hơn, những không gian sáng tạo hoàn toàn có thể trở thành những “lò ấp” thúc đẩy sự sáng tạo và có đóng góp quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa - vốn được xác định là trọng tâm phát triển của coi là lĩnh vực phát triển trong tương lai của những đô thị lớn như Hà Nội.
Thế nhưng, từ thực tế hoạt động của hơn 60 không gian sáng tạo hiện có tại Hà Nội, câu hỏi đặt ra là chúng cần được tiếp sức thế nào để tránh nguy cơ sớm nở tối tàn như nhận xét của nhiều người.
Nhận xét ấy không chỉ đến từ việc một số ít không gian sáng tạo tại Hà Nội phải đóng cửa sau vài năm tồn tại. Nó gắn với một thực tế nữa: Dù đang vận hành, nhưng nhiều không gian vẫn phải rất khó khăn để tìm nguồn vốn hoạt động cho mình.
Cần nhắc lại, nhiều nước phát triển vẫn thường có quỹ kinh phí dành riêng cho hoạt động sáng tạo - theo đó, các tổ chức hoặc cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này có thể làm hồ sơ xin tài trợ cho mình. Còn trong bối cảnh Việt Nam, các quỹ như vậy rất hạn chế, do vậy chủ nhân của những không gian sáng tạo phải từ tìm nguồn tài chính hoặc tự đóng góp chi phí để vận hành. Và trong rất nhiều trường hợp, nguồn chi cho các hoạt động triển lãm, tọa đàm, chiếu phim tại các không gian ấy chỉ có thể trông vào việc... kinh doanh cà phê, đồ uống nên rất khó đảm bảo nguồn tài chính về lâu dài.
Ở một góc độ khác, để hoạt động đúng luật, các chủ sở hữu không gian sáng tạo phải đăng ký hoạt động kinh doanh, dưới các hình thức như hộ cá thể hay công ty cổ phần. Và cho dù các hoạt động sáng tạo thường mang nặng tính thử nghiệm và phi lợi nhuận, hướng tới cộng đồng, thì các “doanh nghiệp” bất đắc dĩ này vẫn không được ưu đãi về thuế.
Từ đó, không có gì lạ khi trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu các không gian sáng tạo là những nghệ sĩ - vốn không quen với hoạt động kinh doanh,cũng như khả năng quản trị, điều hành doanh nghiệp - đã cảm thấy mệt mỏi và vơi dần nhiệt huyết sau thời gian cố gắng duy trì hoạt động của mình.
Trở lại câu chuyện của việc phát triển các không gian sáng tạo. Thực tế cho thấy, ở thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã có những bước đi đầu tiên để hỗ trợ mô hình này, đặc biệt là việc tăng cường sự phối hợp từ các cơ quan quản lý Nhà nước để có thể tận dụng thế mạnh của tất cả các bên. Nhưng về lâu dài, chắc chắn các không gian sáng tạo cần được hỗ trợ bằng những cơ chế đặc biệt về quỹ đất, quy hoạch, chính sách thuế - trước khi nghĩ tới câu chuyện xa hơn là các quỹ bảo trợ cho sáng tạo.
Bởi, như nhiều chuyên gia nhận xét, việc nuôi dưỡng những sáng tạo trước tiên cần phải đến từ sự chính danh, để phân biệt chúng với các loại hình kinh doanh khác.
Sơn Tùng