Góc nhìn 365: Để nghệ sĩ nhớ mình là... nghệ sĩ
(Thethaovanhoa.vn) - Mới chỉ ở dạng dự thảo - và cũng chưa công bố toàn văn, vậy nhưng thông tin về bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ lại đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận những ngày qua.
Bởi, bộ Quy tắc ấy đang được Bộ VH,TT&DL soạn thảo trong bối cảnh mạng xã hội thời gian gần đây liên tục nóng lên bởi những vụ “bóc phốt” nhiều gương mặt nổi tiếng trong làng showbiz. Đó là những lùm xùm quanh câu chuyện quyên góp từ thiện, chuyện quảng cáo sản phẩm bừa bãi bằng những “lời có cánh” – hoặc đơn giản hơn, chỉ là những phát ngôn hoặc nhảm nhí, hoặc đi ngược lại phép lịch sự thông thường.
Dù không phải tất cả đều chính xác, một phần trong số những nghệ sĩ bị “réo tên” này đã thừa nhận sai sót của mình - thậm chí là chịu những mức kỷ luật nhất định từ cơ quan quản lý. Để rồi, chỉ một thời gian sau,“kịch bản” ấy lại được lặp lại với những gương mặt khác và màu sắc khác.
Điều gì khiến những lùm xùm này lại diễn ra với tần suất cao như vậy, khi mà chỉ mươi năm trước, những sự cố về cách ứng xử của nghệ sĩ dù vẫn tồn tại nhưng không hề tới mức “bùng phát” như bây giờ?
Đã có người giải thích điều này bằng sự phát triển của công nghiệp văn hóa và mạng internet - những lý do khiến cuộc sống riêng của nghệ sĩ trở thành một lĩnh vực được cộng đồng quan tâm và khai thác triệt để. Nhưng, đó mới chỉ là một nửa của câu chuyện.
Nửa còn lại nằm ở cách ứng xử và tiếp cận các vấn đề xã hội của mỗi nghệ sĩ, trong bối cảnh bùng nổ thông tin như bây giờ. Ở đó, mạng xã hội đặt những người nổi tiếng như họ trước cơ hội nâng cao thu nhập bằng việc tham gia quảng cáo trên trang cá nhân, giúp họ tạo hiệu ứng cộng đồng rất nhanh bằng những lời kêu gọi - nhưng đồng thời cũng cho phép vô vàn người dùng khác theo dõi và đánh giá mọi hành xử và phát ngôn ấy.
Và, chưa nói tới những sai phạm nghiêm trọng, rất nhiều nghệ sĩ đã mắc “vạ miệng” chỉ từ một phút bốc đồng, với cách hành xử cảm tính và thiếu suy nghĩ của mình.
***
Như những thông tin hiện có, bên cạnh những đề xuất về sự tích cực cần thiết với đồng nghiệp và công chúng, điểm nổi bật của dự thảo bộ Quy tắc ứng xử sắp ra đời là việc yêu cầu nghệ sĩ tự giác thực hiện một số điều như trung thực trong phát ngôn và chia sẻ, minh bạch trong các hoạt động từ thiện, không tham gia quảng bá các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn, không lan truyền các thông tin xúc phạm tổ chức, cá nhân khác cũng như thông tin sai sự thật, không được kiểm chứng...
Những quy tắc ấy, về cơ bản, hoàn toàn thiết thực trong việc điều chỉnh những hiện tượng đang gây bức xúc trong giới nghệ sĩ thời gian qua. Và thực tế, sự băn khoăn - nếu có - của dư luận, chỉ nằm ở câu hỏi: Liệu các nghệ sĩ có dễ... tuân theo bộ quy tắc này, khi chúng vẫn là những khung ứng xử và thiếu đi phần “xử phạt” mang tính răn đe?
Nhưng, nếu nhìn ở một góc độ khác, cũng giống như một số bộ quy tắc ứng xử ra đời trong thời gian qua, khuyến nghị “dưới luật” này khiến chúng ta nhớ tới các hương ước, khế ước về cách sống, cách ăn ở ứng xử... từng tồn tại ở mỗi làng xã Việt Nam xưa. Đó là những chuẩn mực đạo lý, dù không xuất hiện trong những bộ luật cũ, nhưng lại là thước đo để cộng đồng làng xã tự soi xét trong suốt chiều dài lịch sử của mình.
Bên cạnh những quy phạm pháp luật, một “chuẩn” đúng - sai để cộng đồng cùng đánh giá, cũng như để những nghệ sĩ tự nhớ tới trách nhiệm gắn với mình trên tư cách người của công chúng, là điều hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Nhất là khi, trong sự thay đổi của xã hội hiện đại, một số giải pháp quản lý hữu hiệu trước kia lại chưa thật hiệu quả ở bối cảnh ngày nay.
Dù gắn với sự hào nhoáng của một số ít, nhưng chắc chắn, khái niệm “nghệ sĩ” trước tiên vẫn phải gợi lên hình ảnh của những người làm nghệ thuật và cống hiến cho nghệ thuật. Và ít nhiều, bộ Quy tắc ứng xử sắp ra đời ấy đang được kỳ vọng để những nghệ sĩ được “trở về” với sự tích cực của khái niệm này, thay cho những rắc rối, lùm xùm đang dần đi vào định kiến của cộng đồng về giới showbiz như thời gian qua.
Trí Uẩn