Đừng quay lưng với những dòng sông
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện lập quy hoạch 2 bờ sông Hồng đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Nếu được triển khai, đó sẽ là bước đi sau... 22 năm tròn, kể từ khi vấn đề này được thành phố đặt ra.
- Hà Nội bác thông tin tư vấn Trung Quốc lập quy hoạch sông Hồng
- Đề xuất hạ cốt đê sông Hồng ở Hà Nội là không chính xác
Sông Hồng chỉ là một trong những dòng sông ở đồng bằng Bắc Bộ, và tiềm năng của những dòng sông vẫn chưa được "đánh thức" cả ở đô thị, lẫn vùng quê.
Tuần qua, tôi xuống xã Thuần Hưng, (huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Như nhiều làng quê Bắc Bộ, Thuần Hưng có dòng sông Giàn chảy ngang giữa xã,sông Giàn không rộng, nước chảy chậm, hai bên bờ là hàng cây xanh ngát.
Lực lượng biên phòng hai bên tuần tra chung trên sông hồng. Ảnh: Hồng Ninh-TTXVN
Vậy nhưng, như lời kể của ông Nguyễn Viết Vĩnh, nguyên cán bộ văn hóa xã, người vẫn được coi là "pho sử thi" Thuần Hưng, lịch sử của dòng sông Giàn lại phong phú hơn nhiều so với cái tên của nó.
Theo lời ông Vĩnh, rất nhiều bậc cao niên trong làng vẫn kể rằng xã Thuần Hưng khi xưa thuộc tổng Đại Quan, có tên Đại Mang Bộ. Và, địa điểm này chính là bến sông Đại Mang Bộ được ghi trong cổ sử, nơi vua tôi nhà Trần lập đại bản doanh chỉ huy các trận Hàm Tử, Tây Kết trong chiến dịch giải phóng Thăng Long năm 1285.
Sông Giàn là một phần của sông Cửu An, con sông hiếm hoi của miền Bắc được vua Minh Mạng cho khắc lên Nghị Đỉnh (một trong chín chiếc đỉnh lớn của triều Nguyễn) với dòng chữ Cửu An hà. Chưa hết, bên sông Giàn ngày nay vẫn còn cây đa Sài Thị, cùng tấm bia đá nhắc nhớ rằng đây là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Hưng Yên.
Một dòng sông nhỏ, "vô danh" trong tâm thức nhiều người đã được bồi đắp bởi các lớp lang lịch sử văn hóa qua các thời kỳ như thế, với những câu chuyện được các bậc cao niên trong làng gửi gắm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ký ức được trao truyền tự nhiên, nhẹ nhàng như hơi thở đã trở thành một phần của quê hương.
Sông Giàn bây giờ chủ yếu là nơi nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Trong khi đó, chỉ xét riêng về khía cạnh văn hóa, lịch sử, con sông ấy có thể trở thành điểm đến, không chỉ của người dân Hưng Yên mà các nơi khác nữa. Đó là nơi mà ông Vĩnh và các bậc cao niên trong làng có thể kể cho con cháu và du khách những câu chuyện vừa gần gũi, vừa thiêng liêng về lịch sử của một dòng sông.
***
Sông Hồng chảy qua đô thị lớn nhất phía Bắc. Sông Giàn chảy qua một làng quê giản dị.Vậy nhưng, điểm chung giữa 2 con sông ấy lại là những tiềm năng về sinh thái, du lịch, giao thông...Và nhìn rộng ra hơn, tùy theo điều kiện tự nhiên vốn có, tiềm năng hàng trăm con sông như vậy cũng đang chờ được các địa phương đánh thức.
Người xưa thường nhìn con sông với tâm lýlinh thiêng hóa. Đó không chỉ là ảnh hưởng từ những câu chuyện về phong thủy, hà bá, thủy thần. Xa hơn, ẩn sâu trong sự thận trọng ấy là những trân trọng hướng tới "nguồn sống" của cộng đồng trong lịch sử.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các tư liệu cũ, tướng De Castries từng chia sẻ rằng ông rất ngạc nhiên khi thấy Hà Nội "quay lưng lại với sông Hồng". Sự "quay lưng" ấy dù là do hạn chế của hoàn cảnh, cũng cần sự thay đổi, không phải chỉ với sông Hồng, sông Giàn mà hàng trăm con sông khác!
Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa