Đừng khóc những hàng cây
Nhiều người lo một phần ký ức rất đẹp của Sài Gòn, Hà Nội vĩnh viễn ra đi. Sự lo âu đó là có lý do bởi ngoài trung tâm kinh tế, chính trị, đó còn là những thành phố nhân văn. Con người sống bằng hoài niệm rất nhiều, nhất là hình ảnh quá khứ lãng mạn, hàng cây, con đường, thềm hoa, góc phố... Hoài niệm ấy càng quắt quay khi thành phố đang ngày càng ngột ngạt vì mất đi những mảng xanh.
Nhưng để vươn tới hiện đại, sự thay đổi - động lực của phát triển là không thể tránh khỏi. Cái giá của văn minh sẽ chỉ đắt nếu sau này con cái chúng ta nhận được cái không xứng đáng với những điều chúng ta đã đánh đổi.
Có thể trong trí nhớ của nhiều người, Sài Gòn vẫn là một thành phố với những con đường rợp bóng me xanh. Tạp chí National Geographic trong một bài viết về Sài Gòn vào thập niên 1960, có đăng tấm ảnh một nữ sinh mặc áo dài trắng, đội nón lá, đi xe đạp, hai vạt áo dài lộng gió trắng tinh khôi. Hình ảnh ấy nay đã bớt đi tính lãng mạn khi các cô gái mang khẩu trang che kín mặt lúc ra đường, còn thêm cái mũ bảo hiểm trên đầu nếu đi xe máy.
Thành phố như một cô gái đẹp, không thể cứ mặc mãi một cái áo mà phải thay đổi cho hợp thời trang.
2. Có một công trình xây dựng từng phải đối mặt với thái độ còn gay gắt hơn hoài niệm, đó là sự phản đối kịch liệt. Cách đây 125 năm, các nhà văn, nghệ sĩ và học giả hàng đầu của Pháp đã cùng nhau phản đối kịch liệt việc xây dựng tháp Eiffel, công trình bị họ gọi là “con quái vật vô dụng và gớm ghiếc", nó sẽ phá nát không gian của Paris.
Ngày hôm nay, khi ngắm Eiffel vươn lên giữa các tòa nhà cổ kính của Paris, người ta mới thấy ngưỡng mộ trước sự táo bạo của công trình, cũng như trí tưởng tượng của các cá nhân đã tạo ra nó từ các xà thép, dựng nó lên đầy ngạo nghễ giữa một thành phố đẹp đẽ, thượng lưu như kinh đô ánh sáng của nước Pháp.
Và như thế các tác gia như Alexandre Dumas và Guy de Maupassant, các kiến trúc sư như Charles Garnier, các nhà soạn nhạc như Charles Gounod và những người nổi tiếng khác từng kịch liệt phản đối ngọn tháp đã trở thành những kẻ thất bại về khả năng tưởng tượng.
Nhà văn kiệt xuất của nước Pháp Anatole France người đoạt giải Nobel văn học năm 1921 nói rằng: “Con người không bao giờ được lãng phí thời gian vô ích để tiếc nuối quá khứ hay phàn nàn về những thay đổi khiến mình khó chịu, bởi thay đổi là bản chất của cuộc sống”. Và rằng: “Tất cả mọi thay đổi, thậm chí cả những thay đổi được trông chờ nhất, đều có nỗi u sầu; bởi điều chúng ta để lại sau lưng là một phần của chúng ta; chúng ta phải chết với một cuộc sống trước khi có thể bước vào một cuộc sống khác”.
Câu nói ứng với sự “hy sinh” của những người hoài niệm hôm nay. Không biết người Pháp vô tình hay hữu ý khi địa chỉ chính thức của tháp Eiffel lại ở số 5 đại lộ mang tên Anatole France.
Thay vì tiếc nuối, chỉ cần hy vọng cái chúng ta nhận được sau này sẽ không rẻ mạt, sự hy sinh sẽ không vô nghĩa.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa