Đừng chỉ xót cho 'ông Tây'
(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan công an đã khởi tố hai thanh niên tham gia hành hung một người nước ngoài tại Hà Nội vào ngày 24/6.
- Sẽ xem xét khởi tố vụ thương binh lái xe ba bánh bị hành hung
- Cục Hàng không có thể cấm bay hành khách hành hung nữ nhân viên
- Khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 đối tượng hành hung công an ở Bình Phước
Trước đó, video clip ghi lại sự việc này đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, trong sự bất bình của dư luận. Ở clip ấy, hai thanh niên lao vào đấm đá người nước ngoài kia, khiến máu miệng, máu mũi đổ ra đầy mặt anh. Thậm chí, hung hãn hơn, chúng dùng cả mũ bảo hiểm và gạch đá để tấn công, trước sự khiếp vía của nhiều người đi đường.
Những người xem clip căm giận vì sự hung hãn. Xấu hổ vì câu chuyện xảy ra với một người nước ngoài, tại thủ đô Hà Nội. Và chua chát hơn, như một số tờ báo tìm hiểu, sự việc chỉ đến từ một va quệt nhỏ trên đường - mà phần sai do chính một trong hai thanh niên trên gây ra.
Nhưng phải chăng, chúng ta chú ý tới câu chuyện trên, chỉ bởi vì người gặp nạn là một "ông Tây"?
Bởi, trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều vụ va chạm giao thông kèm theo cách hành xử côn đồ đã từng xảy ra. Chúng ta có thể bắt gặp điều ấy không chỉ ở Hà Nội mà ở những thành phố khác, không chỉ qua những clip, những bài báo mà ngay cả với chính bản thân hoặc bạn bè mình.
Lớn tiếng chửi bới khi xảy ra va chạm, quát nạt bắt đền thiệt hại phương tiện, thậm chí là lao vào hành hung (dù người bị nạn không phải là người hoàn toàn có lỗi)... Tôi tin chắc, trong xã hội bây giờ, nhiều người vẫn luôn canh cánh nỗi lo rằng người thân, hoặc con cái mình, gặp phải cách hành xử côn đồ ấy khi tham gia giao thông.
Thậm chí, trong rất nhiều câu chuyện như thế, chúng ta buộc lòng phải chọn cách xử sự là... nín nhịn trước cái sai, cái xấu.
Chẳng hạn, mấy ngày trước, tôi vừa chứng kiến vụ tai nạn giao thông tại một ngã tư đường phố. Khi đèn tín hiệu giao thông hiện lên màu đỏ, cạnh tôi là một chị phụ nữ tuổi trung niên dừng xe đúng theo quy định dưới vạc sơn trắng. Lúc ấy, một thanh niên cỡ ngoài 30, chân tay đầy xăm trổ bỗng dưng lao xe, lách qua để vượt đèn đỏ. Do vượt ẩu, cậu ta va quệt khá mạnh vào chân chị phụ nữ. Và đáp lại lời phàn nàn của chị là một cái trừng mắt, kèm theo câu văng tục rất nhầy nhụa – để rồi người bị đâm chỉ còn cách kìm lòng, cụp mắt và không nói gì thêm.
***
Chúng ta có thể, và đã từng, đổ lỗi những câu chuyện ấy cho sự băng hoại của đạo đức, cho ý thức chấp hành giao thông, cho cả những hạn chế nhất định về đường xá và luật lệ của Việt Nam.
Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận, đó cũng là vấn đề của cách giáo dục con người. Để rồi, thay vì cách xử sự ôn hòa, đúng trình tự, rất nhiều kẻ chọn cách lên gân ứng xử theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé" nhằm giải quyết và rũ bỏ trách nhiệm trong những vụ va chạm như vậy.
Trừng phạt cái xấu, răn đe cái xấu cũng là một biện pháp của giáo dục. Dư luận đang mong chờ cách xử lý nghiêm khắc với vụ việc xảy ra ngày 24/6 vừa qua. Để không chỉ những "ông Tây", cả những người Việt Nam chúng ta cũng có sự an tâm hơn khi tham gia giao thông trên đường.
Đặng Đức
Thể thao & Văn hóa