Đừng bắt nghệ thuật phải 'tiến sĩ hóa'!
Trước đó, ngày 25/1, Bộ GD& ĐT đã có công văn số 454 gửi tới hàng loạt trường ĐH trên toàn quốc. Theo công văn này, gần 200 ngành học thuộc các trường ĐH trên cả nước được thông báo dừng tuyển sinh trong năm 2014, với lý do không đáp ứng được Thông tư số 08 (năm 2011) của Bộ về việc cần có "ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký" khi giảng dạy.
"Cấm" đào tạo diễn viên, đạo diễn, quay phim?
Chiều 10/2, khá đông đạo diễn và nghệ sĩ đang giảng dạy tại Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo giới về quyết định này. Lý do khá đơn giản: Trong danh sách được ghi tại Công văn 454 có tới 15 chuyên ngành của trường.
"Như thế, từ 18 chuyên ngành hiện có, chúng tôi chỉ còn được đào tạo đúng… 3 ngành liên quan tới máy móc, kĩ thuật"- PGS Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng trường nói. Đáng nói, trong "danh sách đen" được Bộ GD&ĐT đưa ra có gần như tất cả các chuyên ngành đặc thù nhất của đơn vị đào tạo này, bao gồm biên kịch sân khấu, đạo diễn điện ảnh - truyền hình, biên kịch điện ảnh - truyền hình, nhiếp ảnh, thiết kế mỹ thuật sân khấu - điện ảnh, quay phim, biên đạo múa.
Cơ sở đào tạo còn lại của Việt Nam về sân khấu - điện ảnh là Trường ĐH SK& ĐA TP.HCM cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Do mới được nâng cấp từ trường cao đẳng lên ĐH được vài năm nay, các bộ môn cơ bản của trường như diễn viên kịch hát truyền thống, diễn viên sân khấu điện ảnh, đạo diễn sân khấu, mỹ thuật sân khấu, quay phim… của trường vẫn còn dừng ở cấp đào tạo cao đẳng. Tuy nhiên, các chuyên ngành này cũng bị ngưng đào tạo vì lý do không đáp ứng được yêu cầu "4 thạc sĩ" (thay vì 3 thạc sĩ, 1 tiến sĩ như đào tạo ĐH). Thậm chí, chuyên ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình của đơn vị này vừa được nâng cấp lên đào tạo đại học được vài năm cũng bị… cấm nốt.
"Nghĩa là chúng ta xóa luôn việc đào tạo diễn viên, đạo diễn, quay phim, nhiếp ảnh trên toàn quốc" - ông Vũ Huyến cho biết. Là một trong những tay máy đầu tiên của VN được đưa sang Đức đào tạo về nhiếp ảnh, ông Huyến cũng chính là người ra sức vận động để thành lập khoa Nhiếp ảnh tại ĐH SKĐA từ cách đây hơn chục năm. Hiện tại, nếu không kể tới những nghệ sĩ nhiếp ảnh "chỉ" có trình độ cử nhân như ông Huyến thì khoa Nhiếp ảnh còn đúng 1 giảng viên mang trình độ thạc sĩ.
"Tôi cũng chỉ có bằng cử nhân, nhưng từng dạy các khóa đào tạo tại khoa nhiếp ảnh. Trong đó, khoảng hai chục em sau khi tốt nghiệp đang là những tay máy của Thông tấn xã Việt Nam, nơi tôi công tác" - ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, cho biết. "Khi tôi kể với các em tin về việc khoa Nhiếp ảnh của trường mình bị coi là không đủ điều kiện đào tạo, tất cả đều ngỡ ngàng".
Tìm đâu cho đủ… tiến sĩ?
Sự thật, kể từ khi biết về quyết định này, khá nhiều nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn…trong giới nghệ thuật đã liên tục lên tiếng để bày tỏ sự không đồng tình. Theo đó, đặc thù chung của đào tạo nghệ thuật tại VN - cũng như của đại đa số các nước - từ trước đến nay nằm ở việc ưu tiên tính thực tiễn. Do đó, giảng viên đào tạo đa phần đều là những nghệ sĩ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm và có thành tựu trong sáng tạo. Và, khi tham gia hoạt động nghệ thuật thực tế, hầu hết các đạo diễn, diễn viên, hoạ sĩ… này đều không theo đuổi việc… đi học tiếp để chuẩn bị học hàm, học vị cho mình.
"Nói thành thật với nhau, chúng ta đều hiểu rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không xin được việc nên lựa chọn con đường… học cao học. Có bằng thạc sĩ, không xin được việc thì lại học lên tiến sĩ" - ông Hiệp nói. "Trong khi đó, nghệ thuật luôn cần tới sự sáng tạo, tới việc truyền thụ những kinh nghiệm biểu diễn, dàn dựng trên thực tế chứ không thể chỉ truyền dạy bằng lý thuyết và nghiên cứu".
Khi đề nghị được tham chiếu với những cơ sở đào tạo nghệ thuật trên thế giới, cả PGS Hiệp và ông Vũ Huyến đều khẳng định: Các trường đại học này đều tận dụng khả năng sáng tạo và kinh nghiệm của các diễn viên, đạo diễn, nhà quay phim… có tiếng để mời về giảng dạy trực tiếp, chứ không hề đòi hỏi phải có một số lượng nhất định các học vị thạc sĩ hay tiến sĩ. Song song với các môn học thực tế này, sinh viên sẽ được bồi dưỡng thêm về lý thuyết và lịch sử nghệ thuật học, do một số ít những chuyên gia có học hàm giảng dạy.
"Ở VN chúng ta, ai cũng biết đạo diễn Trần Văn Thủy là học trò của đạo diễn - nhà quay phim Karmen. Tất nhiên, tay máy lừng danh này không có học hàm tiến sĩ nào cả. Các NSƯT Lê Đức Tiến, Vương Đức, Xuân Sơn khi học trường điện ảnh Moskva cũng đều học từ những nghệ sĩ chỉ có bằng cử nhân." - ông Hiệp nói. "Còn bây giờ, nếu ta cần một TS về quay phim thì ba đến bốn năm nữa chưa chắc đã có và thực tế tấm bằng TS với chuyên ngành sáng tác nghệ thuật không thể thay thế được thành tựu và kinh nghiệm sáng tác của bản thân người thầy".
Trao đổi với báo giới ngày 10/2, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Thực tế, khi xử lý những ngành học này Bộ đã rất linh động. Ví dụ, không có tiến sĩ đúng với chuyên ngành như piano, sân khấu… thì phải có tiến sĩ gần với chuyên ngành này với như có công trình nghiên cứu liên quan. Nếu trong trường hợp, bất đắc dĩ không tìm được tiến sĩ như yêu cầu thì phải có 5 thạc sĩ thay vì 3 thạc sĩ". Hồng Hạnh (ghi) |
Thể thao & Văn hóa