Điều cần hơn những lời chúc: Đừng để bác sĩ 'sống trong sợ hãi'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày tôn vinh những người Thầy thuốc, lại đi nói về chuyện "bác sĩ bị đánh", kể ra cũng chẳng thật hay ho gì. Nhưng, không thể im lặng và cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, một trong những nỗi lo lắng nhất hiện nay của ngành Y, đó là vấn đề an ninh, an toàn trong bệnh viện.
- Bác sĩ Tôn Thất Tùng - Người thầy thuốc làm rạng danh y học Việt Nam
- Khen thưởng 19 thầy thuốc nguy cơ phơi nhiễm HIV do quên mình cứu bệnh nhân
- Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển
Nỗi ám ảnh của một bác sĩ trẻ!
Tôi có cậu bạn, hiện đang công tác tại bệnh viện đa khoa của một tỉnh. Trong những lần ngồi hàn huyên, chuyện trò về vui buồn của nghề y, hầu như lần nào, cậu ấy cũng đem câu chuyện xảy ra cách đây hơn 3 năm trước để kể.
Hôm đó, cậu bạn phải trực đêm ở khoa cấp cứu. Khoảng gần 12h đêm, khi không gian bệnh viện đang tĩnh lặng bỗng náo động, hoảng loạn bởi những tiếng hét, bước chân chạy thình thịch mỗi lúc một gần. Vừa chạy ra hành lang xem có chuyện gì xảy ra, cậu bác sĩ trẻ đã bị một thanh niên cởi trần, xăm trổ đầy mình cầm vũ khí lao vào kèm theo lời dọa nạt: "Hôm nay đại ca của tao bị làm sao bọn tao "hóa vàng" cả viện này".
Làm ở khoa cấp cứu, đã từng tiếp xúc với nhiều thành phần, đối tượng bệnh nhân và người nhà, nhưng có lẽ, giây phút đó đến giờ là khoảng thời gian kinh hãi nhất đối với cậu bác sĩ ấy. Ở thời khắc đó, cậu chỉ biết gật gật đầu, chân run rẩy quay về phòng làm việc. Phải mất một thời gian trấn tĩnh, định thần, tìm hiểu qua các đồng nghiệp khác, cậu mới biết bên ngoài đang có vụ thanh toán nhau giữa các băng nhóm. Trong lúc hỗn chiến, một "đại ca" có số má trên địa bàn đã bị đâm trọng thương và đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Chưa biết số phận của bệnh nhân ấy ra sao, chỉ biết, số lượng những "đệ tử" của đại ca kéo đến mỗi lúc một đông. Chúng nghênh ngang quanh hành lang bệnh viện, dọa bất cứ ai có biểu hiện báo công an. Một lúc sau, lực lượng cảnh sát 113 có mặt. Lúc đó, cậu bạn và những y, bác sĩ có mặt mới dám "thở" đúng nghĩa.
Mỗi lần nhắc lại câu chuyện đó, cậu bạn tôi lại thở dài: "Ở ta, chỗ nào cũng thấy khẩu hiệu Lương y như từ mẫu, nhưng bao nhiêu bệnh nhân và người nhà coi thầy thuốc là "mẹ" mình? Trong khi đó, chỉ xảy ra biến cố y khoa một chút, là bác sĩ "lĩnh đủ" với họ ngay".
Cần sự thấu hiểu
Tôi biết, có thể do cái "đêm định mệnh" kia ám ảnh quá lớn đến cậu bạn, nên khiến vị bác sĩ trẻ ấy suy nghĩ hơi nặng nề. Nhưng, ngẫm ra, không phải điều bạn ấy nói không có lý. Thực tế, thời gian gần đây, hầu như năm nào, trên khắp cả nước, cũng xảy ra các vụ việc bác sĩ bị hành hung. Từ bệnh viện lớn đến phòng khám nhỏ, việc các y, bác sĩ bị dọa nạt, thóa mạ, hành hung đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".
Điều đáng buồn ở chỗ, một số vụ việc gần đây, có những thầy thuốc bị đe dọa, thóa mạ, chửi bới, hành hung ngay cả khi đang làm đúng phận sự của mình. Cứ ngỡ, khi bác sĩ có thái độ không tốt, hành động chưa chuẩn mực, gây tai biến y khoa, khiến bệnh nhân và gia đình phẫn nộ, trong phút thiếu kiềm chế nên có lời nói, hành động bột phát đã đành một lẽ. Đằng này, nhiều vụ việc, bác sĩ hoạt động chuyên môn đã bị đe dọa, xúc phạm, hành hung thì quả thật không hiểu nổi!
Nhiều bệnh nhân và người nhà đi khám bệnh mà lúc nào cũng khư khư chiếc điện thoại trên tay, chỉ đợi bác sĩ có phản ứng mà họ chưa hài lòng, theo đúng ý là lập tức bật lên dí vào mặt thầy thuốc ghi lại rồi tung lên mạng, xuyên tạc, cắt cúp, bóp méo nội dung.
Nhưng đó chỉ là "bạo hành" về tâm lý. Gần đây nhất, đúng vào dịp cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm ngày Thầy thuốc 27/2 thì tại Yên Bái xảy ra vụ việc chồng một sản phụ gọi đồng bọn hơn chục người đến dùng hung khí và chân tay hành hung hai bác sĩ vừa trực tiếp phẫu thuật cho vợ anh ta. Nguyên nhân chỉ vì trong khi các bác sĩ đang phẫu thuật, đối tượng đã trèo lên cửa sổ dùng điện thoại để ghi lại hình ảnh. Khi bị một nhân viên y tế nhắc nhở, yêu cầu dừng hành động đó lại, đối tượng đã hung hãn dọa nạt, tuyên bố sẽ "gặp bác sĩ nào đánh bác sĩ ấy".
Và kết quả, hai bác sĩ đã bị đánh đến mức phải nhập viện, khâu hàng chục mũi khi vừa bước từ phòng mổ ra. Lẽ ra, họ phải được nhận những lời cảm ơn thì ngược lại, người nhà bệnh nhân đã dùng đèn pin và nắm đấm để đáp lại. Điều đáng buồn hơn, đến nay, đã một tuần xảy ra vụ việc, kẻ cầm đầu và đồng bọn vẫn chưa bị bắt giữ, xử lý thích đáng theo pháp luật.
*****
Ngành nào cũng vậy, bị xúc phạm, hành hung khi đang làm nhiệm vụ đều là điều hết sức đáng tiếc. Những người thầy thuốc bị chính bệnh nhân và gia đình hành hung lại càng đáng buồn hơn. Vì lúc đó, họ đang làm nhiệm vụ cao cả, đó là chữa bệnh, cứu người. Hành động hành hung bác sĩ khi họ đang làm nhiệm vụ hoặc trong bệnh viện không chỉ là sự vô ơn, mà còn là thái độ ngông cuồng, coi thường pháp luật, cần phải được trừng trị nghiêm khắc.
Tiếc rằng, không hiểu sao, khi đội ngũ thầy thuốc nước ta đang ngày càng cố gắng rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện mình hơn, nâng cao y thuật, giữ gìn y đức, thì ngược lại, có những bệnh nhân và người nhà lại đối xử với họ ngày càng vô luân, vô pháp.
Dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhưng có thể khẳng định, bộ mặt của ngành Y tế nước ta đã ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực hơn. Nhưng, cũng thật buồn, khi không ít người dân không có sự tôn trọng, thái độ ứng xử phù hợp.
Chừng nào, các vụ việc hành hung bác sĩ, gây mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện chưa bị xử lý một cách quyết liệt, ráo riết, chừng nào ý thức của người dân khi đến bệnh viện chưa được nâng lên, khi đó, những người thầy thuốc vẫn luôn phải "sống trong sợ hãi" mỗi khi khoác lên mình chiếc áo đồng phục. Bởi, họ biết, họ có thể nằm vào vị trí của bệnh nhân bất cứ lúc nào. Với tâm trạng và vị thế như vậy, thử hỏi, làm sao các y, bác sĩ có thể phấn khởi, yên tâm nhận những lời chúc mừng vào ngày tôn vinh nghề thầy thuốc, dù xã hội vẫn ngầm mặc định, đó là một trong những nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý!
Chiến Văn