Công bố điểm chuẩn đại học: Phương án B
(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày hôm nay, đồng loạt các trường đại học, cao đẳng trên cả nước công bố mức điểm chuẩn đầu vào. Thí sinh dự thi trên cả nước về cơ bản sẽ được biết rõ mình đỗ hay là trượt, được vào học trên giảng đường mơ ước hay là trở về nhà làm công việc khác, chấp nhận ôn luyện thi lại năm sau hoặc là chuyển hướng tìm công việc mới…
- Từ ngày 1-6/8, công bố điểm chuẩn xét tuyển ĐH đợt 1, cập nhật điểm chuẩn các trường
- Trường Đại học đầu tiên công bố điểm chuẩn xét tuyển 2018
- Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018: Thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển
Tất nhiên, một số thí sinh vẫn có thể hy vọng ở đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 15/8, nếu có các trường/ngành còn thiếu chỉ tiêu. (Thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung khi chưa xác nhận nhập học vào các trường khác ở đợt 1).
Thi đại học, với rất nhiều người, là sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Và tất nhiên, trước khi có kết quả, không ai hào hứng nếu nghĩ đến khả năng mình thất bại.
Nhưng nếu điều đó xảy ra?
Nhớ thời kỳ trong quân ngũ, bất kỳ công việc gì quan trọng chúng tôi đều phải làm công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng, gọi là lên các phương án tình huống.
Phương án chính gọi là A, phương án đề phòng gọi là B. Thông thường thì đa số các phương án A đều đạt được yêu cầu mục đích đưa ra, tuy nhiên không vì thế mà phương án B bị coi thường, thậm chí nhiều khi phương án B còn phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cả A.
Đối chiếu với việc thi cử vừa rồi thì phương án B chính là việc các thí sinh làm công tác chuẩn bị cho tình huống mình bị trượt do điểm thi không đạt điểm chuẩn của trường hoặc của khoa, buộc phải chuyển hướng lựa chọn ngành hoặc chuyển đổi nguyện vọng. Nếu như cả hai đều không đạt yêu cầu thì phải chấp nhận ở nhà làm việc khác chờ năm sau thi lại hay là đi học nghề, đi làm mưu sinh cuộc sống.
Và những phát sinh, những tính toán phức tạp... của các thí sinh và gia đình đều gắn với phương án B này. Chắc chắn, nó sẽ vất vả, khó khăn, thậm chí tốn kém hơn rất nhiều - cả về vật chất và tinh thần – so với phương án A.
Thời chúng tôi học cấp 3, phương án B khi trượt đại học chỉ loanh quanh vài lựa chọn như: đi bộ đội, đi học nghề làm công nhân, gia đình có điều kiện thì xuất khẩu lao động, ai có ý chí và gia đình có điều kiện thì sẽ ôn luyện cho kỳ thì năm sau. Cá biệt có người bỏ hẳn tư tưởng học hành mà tập trung vào học những nghề để kiếm sống. Khu tập thể chúng tôi khi đó may mắn có nghề mộc, vì vậy khá đông anh em bạn bè theo học nghề này mặc dù đều biết nghề này rất vất vả, “ráo mồ hôi là hết tiền".
Sau này, khi làm công việc kinh doanh, phương án B chúng tôi hay chuẩn bị chính là những tình huống xấu nhất có thể xảy ra như: hàng tồn kho bao lâu thì chấp nhận được, nếu kinh doanh thua lỗ thì khả năng vốn chịu được trong bao lâu? Có phải vay vốn? Vay ai? Bao nhiêu? Nguồn ở đâu để thanh toán khoản vay đó?...
Và kinh nghiệm từ sản xuất kinh doanh cho thấy: phương án B luôn phải được quan tâm hơn cả phương án A (là phương án làm sao để có lợi nhuận cho doanh nghiệp).
***
Quay lại chuyện thi cử, nếu như các thí sinh cũng như gia đình các em có sự chuẩn bị tốt phương án B (trượt đại học) thì trước tiên, các em sẽ tránh được những cú sốc về tâm lý. Rồi tiếp đó, các em và gia đình sẽ có những đánh giá lựa chọn việc tiếp tục theo đuổi nghiệp đèn sách hay là chuyển hướng sang học nghề sau khi đã hiểu tương đối chính xác năng lực của bản thân.
Có sự chuẩn bị tốt, phương án B cũng sẽ giảm bớt những chi phí lãng phí vì đầu tư sai. Các em sẽ được chuẩn bị để đối đầu với thực tại, chủ động tìm kiếm công việc phù hợp với chính khả năng của từng người, không tạo áp lực cho gia đình và xã hội. Thậm chí, nếu được tư vấn tốt, việc chuẩn bị phương án B sẽ giúp các em đỡ lãng phí tài chính cũng như công sức của gia đình và xã hội – sau một kỳ thi căng thẳng cộng cùng 12 năm đèn sách.
Và quan trọng, phương án B phải là phương án chính. Bởi ai cũng biết, trong kỳ thi đại học, tỉ lệ thí sinh bị trượt luôn luôn cao hơn số thi đỗ. Muốn hay không, chúng ta hãy chấp nhận thực tế này.
Đào Quốc Thắng