Cơ hội của chùa Cầu
(Thethaovanhoa.vn) - Chùa Cầu – biểu tượng của đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đang xuống cấp nghiêm trọng. Hơn một tháng trước, Ban quản lý phố cổ Hội An đã phải lên phương án điều tiết để giảm bớt lượng khách bước lên di tích ấy mỗi ngày.
Sự thực, không phải bây giờ, người ta mới nói về tình trạng “kêu cứu” của cây cầu gần 400 năm tuổi này. Điển hình, năm 2016 tại Hội An, một cuộc hội thảo quốc tế quy tụ hơn 100 chuyên gia về di sản đã được tổ chức với mục đích tìm giải pháp “chữa bệnh” cho chùa Cầu.
Vậy nhưng đến nay, mọi thứ vẫn không có gì tiến triển. Lý do: chùa Cầu là công trình đặc biệt có giá trị và đặt ra rất nhiều vấn đề phức tạp khi trùng tu.
Chùa Cầu không phải là trường hợp hiếm hoi ở Hội An. Một năm trước, chia sẻ với báo giới, lãnh đạo thành phố Hội An từng cho biết: trên toàn thành phố có hơn 50 di tích và di sản cần bảo tồn cho khỏi hư hại – trong đó có hơn 10 di tích phải hạ giải để trùng tu.
Rộng hơn trên bình diện cả nước, cũng vào năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết thành phố có hơn 2.000 di tích xuống cấp, trong đó có hơn 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Tại tỉnh Lạng Sơn, bảo vật quốc gia là bia Thủy Môn Đình, hiện diện từ trước năm 1804, cũng đang ở tình trạng xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sụp đổ. Rồi gần nhất, di tích Quốc gia núi Phú Thọ (tỉnh Quảng Ngãi) cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng xuống cấp do khai thác du lịch quá tải. Tương tự, đó là câu chuyện của đình Tiên Thủy, đình Phú Lễ tại Bến Tre và một loạt các di tích khác của tỉnh Hải Dương….
Chúng ta chưa có một thống kê đầy đủ về tình trạng xuống cấp, hư hại của các di tích trên toàn quốc. Nhưng chắc chắn, con số ấy rất nhiều. Đơn giản, quãng thời gian tồn tại suốt hàng trăm năm lịch sử đã làm nên giá trị, nhưng cũng là yếu tố đe dọa sự bền vững của những di tích ấy.
Đi qua năm tháng, “thành, trụ, hoại, diệt” là lẽ thường tình. Vậy nhưng, để bảo tồn những tài sản đặc biệt của quá khứ, chúng ta vẫn phải nỗ lực kéo lùi “sự thường tình” ấy, như cách mà hàng loạt quốc gia phát triển cũng phải làm để gìn giữ di sản văn hóa của mình.
***
Từ trường hợp chùa Cầu, tôi bỗng nhớ ra: thống kê hiện tại cho biết toàn quốc đang có tới gần 4 vạn di tích các loại được xếp hạng. Chắc chắn, theo thời gian, di tích nào cũng cần trùng tu. Đó là câu chuyện cần tới một nguồn kinh phí khổng lồ, cũng như những đòi hỏi đặc biệt về trình độ của các nhà khoa học.
Chúng ta có đủ sức bảo tồn và gìn giữ ngần ấy di tích một cách chuẩn chỉ và khoa học không? Câu hỏi ấy không dễ trả lời.
Sự thực, trong nhiều cuộc tọa đàm, các chuyên gia đã nhắc tới trào lưu “bảo tồn tràn lan”- khi rất nhiều di tích cấp tỉnh, cấp thành phố đều có xu hướng xin được nâng lên cấp quốc gia và cao hơn nữa. Cuộc chạy đua như thế vô tình đi ngược lại cơ may mà thế hệ chúng ta đang cố làm trong khả năng của mình: giữ cho được, duy trì cho được, bênh vực cho được những tinh hoa thật sự của cha ông.
- 'Tu bổ chùa Cầu là cấp bách, không thể chần chừ'
- VIDEO: Khẩn cấp cứu Chùa Cầu trước khi quá muộn
- Chùa Cầu, Hội An 'gồng gánh' khách: 'Nín thở' chờ trùng tu
Chùa Cầu là một trường hợp điển hình cho những tinh hoa ấy. Chắc chắn, trong tương lai, nó phải được bảo tồn và trùng tu một cách tốt nhất có thể. Nhưng, phải chăng, đã đến lúc, chiến lược bảo tồn di sản cần được tính toán, nghiên cứu một cách thấu đáo - để chúng ta có cơ hội sớm ưu tiên gìn giữ những gì quan trọng nhất trong kho tàng di sản.
Đó không phải là câu chuyện phủ nhận quá khứ một cách sạch trơn. Bởi, đã đành di tích, di sản là hồn của dân tộc – nhưng càng chạy theo nhu cầu ấy một cách tràn lan, chúng ta lại càng gặp nhiều thách thức và dễ bỏ qua, không tập trung bảo tồn những gì bức thiết nhất. Trong khi, để tồn tại được tới bây giờ, rất nhiều những di tích, di sản trong lịch sử cũng đã trải qua những cuộc đào thải, thanh lọc tự thân của nó.
Vô Ưu – Cúc Đường