Chuyện Hà Nội: Bi hài chung cư
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Chung cư là nơi sinh sống của nhiều người trong một “mái nhà”. Nhưng chung cư có lịch sử, có nỗi niềm riêng của nó. Cái nhà chung của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con người ấy là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ bi hài, ái ố hỉ nộ của cư dân trong đó.
Phim Cầu thang nhà A6 là một ví dụ, một lát cắt về ngày thường ở chung cư Hà Nội.
Những cái chung cư thời trước bây giờ đa phần xập xệ lắm rồi. Có cái xây từ thời đầu hòa bình trên miền Bắc, nghĩa là đã 60 năm. Thành phố đang loay hoay với giải pháp đồng thời chuẩn bị khẩn cấp kiểm tra và kịp thời di dời cư dân những chung cư nghiêng lún để chống nguy cơ nhà sập.
Hàng nghìn khu chung cư cũ nát đang phải gánh trên mình nó hàng vạn con người. Sự cơi nới, xây thêm phòng ở lên cả sân thượng, thậm chí nuôi cả lợn gà, trồng cây lên ban công ở các chung cư cùng với sức công phá của thời gian và mưa nắng đã làm nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng.
Vậy là lại thêm một chương trình cấp bách, “cấp cứu” chung cư. Nhưng không phải dễ. Mỗi chung cư từ lâu đã trở thành một cái làng theo nghĩa nào đó. Nghĩa là nó có các mối quan hệ giữa các cư dân trong đó, có nếp sống công cộng bên cạnh nếp sống mỗi gia đình. Có sự ấm áp, tình cảm của “người trong một… nhà”. Có những khó chịu trước sự lố lăng kệch cỡm của hàng xóm láng giếng…
Đời sống trong những căn hộ chung cư cũ rồi sẽ có những đổi thay khi ở trong căn hộ cao cấp. Và nếp sống văn hóa chung cư một thời sẽ được thay thế bằng một kiểu ứng xử, có thể là khoa học hơn, nhưng lạnh lùng hơn trong việc bảo đảm an ninh, trật tự tại các chung cư căn hộ mới.
Đã có một số dự án thay thế chung cư như Giảng Võ, Thanh Xuân, Trung Tự… nhưng khó triển khai. Khó là vì cái sự “lăn tăn” chuyện giá trị căn nhà mới, nhiều hộ không có khả năng vì phải “bù lỗ” nhà mới quá nhiều. Chưa nói dịch vụ hoàn hảo hơn và phí chung cư cũng… hoàn hảo hơn… Mà mức thu nhập của người lao động thì vẫn thấp… Chung cư B6 Giảng Võ là một điển hình về sự ách tắc trong thay mới chung cư.
2. Dự án triển khai 10 năm, mua đi bán lại mấy lần. Rồi các chủ đầu tư lằng nhằng kiện cáo nhau để dân chịu khổ mất nhà… Nhà cũ đã phá đi, nhưng đất trống còn đó, và người dân thì vô gia cư phải đi thuê khắp nơi để ở. Bi kịch nhà B6 chưa có lời giải…
Bây giờ căn hộ lên ngôi nhưng với người lao động, làm sao mơ được vào căn hộ cao tầng! Và tâm lý ngại sống ở căn hộ cao cấp đã ít nhiều cản trở việc định cư.
Tôi có mặt ở tòa Chung cư Royal city một ngày đầu Thu để thăm một người em họ. Dẫu vệ sĩ nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn, nhưng vẫn có cảm giác xa lạ, khi lên đến tầng 19 Cầu thang B. Không thể gõ cửa như xưa mà là bấm chuông và đứng trước camera nhận diện.
Nếu không quen biết thì mời đứng đó, không ai mở cửa. Cả cái khóa cửa cũng “số hóa”, phải dùng vân tay người trong nhà có đăng ký thì cửa mới mở. Nó khác xa với chung cư trước đây.
Cái khác biệt lớn nhất là nếp sống bao năm ở chung cư tập thể, giờ bỗng đổi thay và phải làm lại… Nhưng quy luật muôn đời là thế giới luôn vận động. Để đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, ai cũng muốn, nhưng tâm lý người dân, rồi khả năng tài chính mỗi nhà cũng là lý do chậm đổi mới chung cư.
Báo động nguy cơ chung cư hết “đát” và nghiêng lún đã cận kề tại hàng chục khu tập thể ở Hà Nội. Hãy bằng tư duy mở để kiếm tìm lối ra cho vấn đề nan giải lâu nay. Tôi tin mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy, nếu biết cách tháo gỡ, nhẹ nhàng…
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa