Chuyện đồng phục học trò
(TT&VH) - 1. Chuyện đồng phục của học trò, đặc biệt những trường ở thành phố đã đi vào ổn định, mặc nhiên được xã hội công nhận: Học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường, nam sinh áo trắng, quần sẫm màu; nữ sinh quần áo dài trắng (đối với học sinh THPT). Và màu áo trắng là nét đẹp của văn hóa học đường, tượng trưng cho cuộc đời trong trắng của người học sinh.
Tuy vậy việc mặc đồng phục đến trường cũng không hoàn toàn bắt buộc, đúng hơn là Bộ GD& ĐT không đưa vào quy chế. Những trường ở vùng sâu, vùng xa kể cả nhiều trường ở ven đô, cha mẹ các cháu còn “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”, lo cho con ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường cùng chúng bạn đã cố gắng lắm rồi, tiền đâu may đồng phục cho con em.
Được biết Sở GD& ĐT cũng không có chủ trương buộc học sinh phải mặc đồng phục khi đi học. Nhưng “Phép vua thua lệ làng”, nhiều vị hiệu trưởng cho phép mình được quyền áp đặt học trò phải mua đồng phục. Các em học sinh trúng tuyển vào lớp 10, khi đến nộp hồ sơ nhập trường phải làm một thủ tục được quy định bằng giấy trắng mực đen, đóng lệ phí may đồng phục. Học sinh nào không có tiền may đồng phục thì “hãy đợi đấy!”. Các trường cứ đua nhau, THPT đồng phục, THCS đồng phục, đến các trường Tiểu học cũng bắt học sinh mặc đồng phục.
2. Lớp học ở ta thường “quá tải”, do “cầu” bao giờ cũng vượt “ cung” nên sĩ số từ 50 đến 60hs/ lớp, 4-5 em ngồi chung một bàn chật chội, nóng nưc. Các em nam còn chịu được. Nữ sinh mặc quần chùng, áo dài, mồ hôi ướt đẫm vai áo, làm cho các em thiếu tự tin khi cư xử. Do đó, các trường chỉ quy định mặc đồng phục vào thứ 2 đầu tuần có lễ chào cờ, sinh hoạt tập thể toàn trường. Học trò chỉ cần một bộ đồng phục là đủ.
Năm học 2010- 2011, không hiểu vì lý do gì, nhiều vị hiệu trưởng lại buộc học sinh mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần. Dẫn đến việc học trò phải có 2- 3 bộ đồng phục để thay đổi hàng ngày. Chưa kể các em nữ sinh mặc quần áo dài, buộc phải có “phụ kiện” kèm theo (giày dép, nội y...). Mùa rét đến lại phải có bộ đồng phục mùa Đông. Không ít trường yêu cầu học sinh có cả bộ đồng phục thể thao để học trong tiết thể chất. Chưa hết, nhiều trường tiểu học còn “vẽ” ra quy định đồ dùng học tập cũng “đồng phục”: Vở, bảng, bút, giấy kê tay... phải mua đúng loại do nhà trường quy định.
Đầu năm học - “mùa thu tiền”, nhiều bậc cha mẹ là cán bộ, công nhân viên ăn lương Nhà nước, bà con nông dân lao động quần quật suốt ngày “hai sương, một nắng” méo mặt lo cho con đóng đủ mọi lệ phí, lại phải lo thêm gánh nặng “đồng phục”.
3. Đã đến lúc, các cấp có trách nhiệm cần nghiêm túc xem xét, liệu đằng sau chuyện “đồng phục” học sinh, có nhóm lợi ích nào chi phối những quy định mang nặng tính hình thức, vừa lãng phí, bất tiện, vừa làm khổ dân đang tồn tại tại ở các trường học. Bộ GD& ĐT cần có thái độ bằng văn bản quy định việc mặc đồng phục của học trò. Đã là đồng phục phải thống nhất trong cả nước, không nên để các trường “tùy nghi”.
Lê Sĩ Tứ