Chết đuối dưới mương, dạy bơi trên giấy
(TT&VH) - 1. Hai ngày cuối tuần mà đọc báo vẫn “nóng rực” bao nhiêu thông tin, nào vụ gỗ sưa nghìn tỷ bị tẩu tán tại khu bảo tồn thiên nhiên, nào ngành y tế bất lực bệnh lạ gây chết người, rồi người dân trắng đêm mua hồ sơ cho con vào lớp 1, rồi giá xăng tăng nhanh, giảm chậm…
Nhưng liệu ai có thể tránh được cảm giác bàng hoàng, đau đớn khi đọc thông tin về vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào trưa 12/5, khi năm em nhỏ của hai gia đình nông dân nghèo rủ nhau đi mót hạt điều và bị chết đuối. Cả năm em đều là học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Thi thể các em nằm dưới một con mương…Theo lời kể lại thì trong khi đi mót hạt điều, một em chẳng may bị trượt chân té xuống mương (do một người dân khơi sâu thêm để lấy đất làm rẫy), các em khác lần lượt xuống cứu,nhưng không ai biết bơi hết, và bị chìm hết.
Có một chi tiết, nhà các em đều rất nghèo. Người cha Phạm Đức Hòa kể rằng ngày 13/5 cũng là ngày sinh nhật thứ 11 của Uyên. Nhà nghèo, chẳng bao giờ Uyên biết ngày sinh nhật của mình là như thế nào. Nhưng vì là năm cuối cấp I nên Uyên muốn mót thêm vài ký điều cuối vụ để bán kiếm tiền mua chiếc bánh nhỏ mời bạn bè chung vui, nhưng ai ngờ…
2. Mới đầu tháng 5 này, Bộ LĐ,TB&XH công bố Cuộc khảo sát tai nạn thương tích năm 2010. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các tai nạn thương tích nhưng lại đặc biệt tập trung vào trẻ em dưới 19 tuổi và rất cao trong nhóm tuổi 0-4 và 5-9 tuổi.
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong với khoảng 4.500 em. Tính ra, mỗi ngày 12 em nhỏ bỏ mạng vì chết đuối. Con số đáng sợ.
Và không phải ngẫu nhiên mà báo cáo cấp quốc gia này nêu rõ: “Trẻ em ở các hộ gia đình nghèo và cận nghèo, khu vực nông thôn có nguy cơ tai nạn thương tích cao gấp 2 lần so với khu vực khác”.
Với hàng loạt vụ trẻ chết đuối thương tâm, Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn nhân chết đuối cao nhất thế giới. Người ta đã mừng khi cách đây 2 năm, vào tháng 2/2010, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các sở GD&ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Trong đó, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5.
Nhưng ngay sau đó, người ta nhận ra rằng, Bộ mới chỉ có thể “dạy bơi trên giấy”. Bộ GD&ĐT đã nhận thấy việc cứu sinh mạng các em là rất cần kíp nhưng lại “lực bất tòng tâm” vì… tiền. Các trường không thể triển khai chương trình dạy bơi vì xây một bể bơi cần cả trăm triệu đồng, trong khi cơ sở vật chất nhà trường còn hạn chế. Kinh phí xây dựng, duy trì hoạt động và bảo dưỡng bể bơi là quá sức các trường. Trong khi Bộ cũng không thể hỗ trợ kinh phí cho các trường, bởi đó sẽ là một nguồn vốn khổng lồ.
Lại một cái nghèo nữa.
Lời than khóc của anh Phạm Đức Hòa bên linh cữu con gái mình: “Cha có lỗi, không lo được cho con để hai chị em con đi mót điều mà chết” là lời ai điếu chung của xã hội khi chưa lo được cho các em.