Chào tuần mới: Từ thiện 'Tam luân không tịch'
(Thethaovanhoa.vn) - Mưa bão vẫn đang đổ vào miền Trung. Trong khó khăn càng thấy rõ tinh thần đoàn kết, yêu thương của nhân dân Việt Nam. Việc tham gia quyên góp, cứu trợ người dân vùng lũ đang trở thành phong trào, thậm chí có những nhóm tự tổ chức việc chở nhu yếu phẩm vào tận vùng lũ trao tặng cho người dân...
Khi phải chứng kiến những thảm cảnh đối với đồng bào của mình, tôi tin, trong chúng ta, ai cũng bị thôi thúc phải làm một cái gì đó để giúp đỡ mọi người. Và bất cứ ai khi làm việc này đều mong muốn làm sao đạt hiệu quả cao nhất…
… Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Đây là việc làm rất cần thiết.
Còn nhớ vào một dịp giáp Tết Nguyên đán, tôi may mắn được tham gia chuyến đi hỗ trợ người nghèo do một công ty nước ngoài tổ chức. Quà chính của chuyến đi là thẻ BHYT, những sản phẩm của công ty đang kinh doanh, một chút tiền mừng Tết… Còn chúng tôi và các đối tác khác được mời đi cùng thì ủng hộ quần áo, nhu yếu phẩm, sách vở... Vì số lượng quà tặng có hạn cho nên tại địa phương được lựa chọn, phía công ty đã tiến hành khảo sát, xác minh danh tính những người được nhận quà do chính quyền địa phương cung cấp, xem là các hộ này có đúng theo tiêu chí của công ty hay không?
Khi đến địa phương phát quà, những hộ gia đình có tên trong danh sách đã tập trung đông đủ tại trụ sở UBND xã. Nghi thức trao quà diễn ra nhanh, gọn và rất cảm động.
Phát quà chính xong, anh em chúng tôi theo sự chỉ dẫn của bác trưởng thôn đến thăm những gia đình cần được chia sẻ quần áo, sách vở... Tôi bước vào những căn nhà ẩm thấp, nhìn bọn trẻ đang mặc những bộ quần áo cũ kỹ, khuy áo cái còn cái mất, chân đất chạy nhảy ở góc sân gạch vỡ toác, thấy rất tội nghiệp. Sắp Tết rồi mà trong nhà chẳng thấy có thứ gì liên quan đến Tết cả, bếp đun vẫn là cái kiềng 3 chân, bàn thờ chưa có món đồ mới nào được bày biện…
Tôi hiểu rằng chuyến đi của chúng tôi đã đúng chỗ, đúng người. Những món quà không lớn nhưng cả người trong danh sách nhận quà lẫn những người hàng xóm đều vui lây. Họ ngó đầu qua bờ tường hoặc chạy sang tận nơi để chia vui và cảm ơn.
***
Nhớ có lần đọc trong một cuốn sách, truyền thống Phật giáo Đại thừa luôn nhắc đến nguyên tắc bố thí để trở thành sự bố thí tuyệt đối. Đó là “Tam luân không tịch”. Nghĩa là 3 đối tượng gồm người bố thí, người nhận bố thí và món quà bố thí phải nương tựa vào nhau thì mới thành lập được.
Người bố thí phải thấy cả vũ trụ trong họ cùng đang bố thí chứ không phải cái tôi biệt lập đang bố thí. Đặc biệt, nhờ có người đón nhận thì ta mới thực hiện được việc làm này, nên trước và sau khi bố thí, trong tâm không hề có sự thay đổi.
Thứ 2, người bố thí phải thấy món quà này cũng do sự góp mặt của vạn sự vạn vật mới làm ra được, nên không có thái độ lựa chọn giá trị cao thấp của món quà để bố thí.
Thứ 3, người bố thí không có sự phân biệt hay đòi hỏi gì nơi người nhận, chỉ một lòng vì họ. Cả 3 điều này xảy ra đầy đủ thì ta sẽ đạt tới đỉnh cao của sự bố thí - bố thí không điều kiện hay sự bố thí trong sạch.
- Đêm nhạc từ thiện của ca sĩ Đinh Hiền Anh quyên được hơn 34,2 tỷ đồng
- Doanh thu đêm nhạc của DJ Tiesto sẽ dành cho từ thiện
- Blackpink tham gia dự án từ thiện chống COVID-19
Qua những chuyến đi từ thiện, tôi càng hiểu thêm ý nghĩa của “Tam luân không tịch”. Người thường chúng ta tất nhiên không thể đạt được đến "cảnh giới" ấy nhưng đều có thể thực hiện được cái văn hoá “của cho và cách cho”.
Để đạt được điều này thì rất cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng. Và nhất là không cần phải quảng bá rùm beng. Nói theo các cụ thì việc làm này trời biết, đất biết, như thế là đủ.
Quốc Khánh