Chân dài & váy ngắn
Rất khẩn trương, các bà các cô phát hiện ra độ dài ngắn của váy chính là thước đo độ dài ngắn của nhan sắc.
Truyền thuyết kể rằng ở một gia đình có truyền thống giàu có và văn hóa, bỗng nhiên ban đêm cả dinh cơ bốc cháy. Trong khi mọi người nháo nhào vơ vét vàng bạc, của cải chạy tháo thân thì cô gái con chủ nhà chỉ nhẹ nhàng khoác váy ngắn đi ra. Bởi cô tin rằng với chiếc váy ngắn ấy, mình sẽ có lại tất cả.
Một cô gái thông minh và đẹp (còn thông minh mà xấu, tuy rất đáng kính trọng nhưng không bàn ở đây) luôn chỉ có hai cách mặc váy: hoặc cực ngắn hoặc cực dài.
Cực dài thì chả nói làm gì rồi. Đến mắt cá chân vẫn chưa là cái đinh. Đã có nhiều nàng mặc dài tới vài chục mét, phải có nhiều đứa nâng mới bước đi được, mà chỉ bước vài mét là đứng thở như thế thì còn trai nào dám lại gần. Cho nên nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy phụ nữ mặc váy dài hoặc trong đám cưới, hoặc đứng một mình.
Đến phút này, không ai biết chiếc váy đầu tiên của phụ nữ làm bằng gì, da thú hay vỏ cây, mặc ở đâu, trên rừng hay dưới biển, mặc vào lúc nào, khi đang tắm hay khi đang chơi. Nhưng tôi cam đoan nó là váy lửng.
Tại sao thế? Tại lúc đó các cô chưa hiểu rõ tính PR của chiếc váy. Nó đơn giản chỉ là một thứ để che thân thể, do đấy kích thước lửng thích hợp vô cùng.
Nhưng thời gian nhanh chóng qua đi. Rất khẩn trương, các bà các cô phát hiện ra độ dài ngắn của váy chính là thước đo độ dài ngắn của nhan sắc.
Nói đến đây, sẽ có người vặn lại: Sao trong các buổi tiệc lớn, các chương trình lớn như giải Oscar hay liên hoan phim Cannes, các nữ minh tinh toàn mặc váy dài? Xin thưa có vài lý do: Thứ nhất, đám ấy đã có nhiều dịp khoe thân thể trên màn ảnh rồi, nên không cần khoe ở đó. Thứ hai, họ toàn nhận tiền tạm ứng của các nhà thiết kế váy, mà dân thiết kế chỉ váy dài mới cướp được nhiều tiền, mới “thừa giấy vẽ voi” được. Cuối cùng, đa số các nữ tài tử mặc váy dài vì không thể mặc váy ngắn được. Bởi đã là tài tử thành danh bên Tây khó ở tuổi teen, càng không ở tuổi “xì tin dâu”, nhìn váy ngắn chỉ còn cách thở dài, giấu đi vẻ thèm khát đang trào dâng.
Một thiếu nữ chân chính biết sử dụng váy ngắn đúng cách thì chả khác gì một nghệ sĩ dùng gươm, tung hoành trong đám đàn ông, giết họ như giết ruồi.
Nhược điểm của váy ngắn là dễ hở. Nhưng thực ra, đấy lại chính là ưu điểm. Khoảng cách mong manh giữa hở và không hở là khoảng cách vĩ đại mỗi cô gái đều hiểu cách sử dụng.
Chỉ có kẻ kém tài năng, kém trí tuệ mới mặc váy ngắn ở nhà. Váy ngắn phải xông ra đường, phải tiến vào chỗ đông người mới hoàn thành nhiệm vụ lịch sử thiêng liêng của nó.
Bạn thân của váy ngắn là giầy cao gót. Ai muốn tự tử thì mặc váy ngắn đi guốc mộc hoặc đi dép lê. Còn váy ngắn đi với giày bata sẽ coi như chết hẳn. Hình ảnh những cô gái mặc váy ngắn, đi guốc cao, nắm tay nhau đi trên hè phố lúc nắng lên là hình ảnh bất tử. Hình ảnh này luôn luôn xuất hiện trên ti vi, trên tạp chí và trên đủ thứ khi ai đó muốn chứng minh cho sự trẻ trung, tươi tắn.
Váy ngắn còn dùng cho phụ nữ cưỡi mô tô hoặc cưỡi ô tô. Sự tương phản giữa cỗ máy gồ ghề và cặp chân thon mảnh luôn luôn là sự tương phản đắt giá, khắc sâu vào tâm trí những kẻ có xe hoặc đang mơ ước có xe.
Hiện nay, có một câu ca dao truyền thống mà ai cũng phải thuộc: “Hỡi cô váy ngắn bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Lý do cô ấy “đổ trăng” là do cô ấy hiểu rõ cặp chân mình chính là vàng.
Ưu điểm khổng lồ của váy ngắn là nó không cầu kỳ, rắc rối, phức tạp và lắm chuyện như váy dài. Nó chỉ ngắn thôi, ngắn là đủ cao quý rồi, chứ không quan trọng bằng lụa hay bằng sa tanh. Thậm chí, nếu có chế tạo bằng lá cây thì nó cũng vẫn tuyệt như thường. Người ta có thể không mặc váy dài vì thiếu tiền, chứ không mặc váy ngắn thì chỉ do thiếu dũng cảm.
Gần đây, xã hội bỗng nổ ra những cuộc tranh luận khốc liệt: Đó là váy ngắn đến đâu là vừa? Theo một số nhà khoa học, có thể ngắn đến vô tận. Theo một số đàn ông, ngắn bao nhiêu cũng vẫn là dài. Theo một số bà già lẩm cẩm thì ngắn quá đầu gối vẫn là ngắn.