Câu hỏi cho những ngày không phải 'ngày phụ nữ'
(Thethaovanhoa.vn) - Cứ mỗi lần gặp, cô em đồng nghiệp lại kêu lên với vẻ mặt đầy chán nản: “Mẹ em lại thế”! "Lại thế" nghĩa là lại giục cô lấy chồng. Bao nhiêu năm nay, kể từ khi cô rời khỏi cánh cửa trường đại học và đi làm, một điệp khúc thường xuyên xuất hiện gần như hàng ngày và khiến cô từ bực mình cho đến vô cảm.
- Các Sao Mai đồng loạt ra MV mừng ngày Phụ nữ Việt Nam
- Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10: 5 món quà 'an toàn' đảm bảo cô gái nào cũng thích mê
- Rộn ràng thị trường hoa đón Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10
Đấy là điệp khúc cưới. Bà mẹ, một tiểu thương ở chợ gần nhà, thực ra cũng chỉ là nạn nhân của những tư duy cũ kỹ mà bà đã lớn lên trong đó. Bà cũng chịu một áp lực lớn từ họ hàng, người thân, từ chính các “đồng nghiệp” của bà ở chợ, những người hầu như chẳng có việc gì khác ngoài bàn tán về đứa con gái chỉ thích leo lên các bậc thang sự nghiệp mà chẳng chịu lấy chồng.
Họ luôn xổ ra một tràng dài về cô mỗi khi cô có việc ra chợ gặp mẹ. “Mày còn ăn bám bố mẹ mày đến bao giờ?”, “Lấy chồng đi cháu”, “Cứ thế mà sống cũng chịu được à”... là những câu hỏi tới tấp trút lên đầu cô. Đương nhiên, cô chỉ cười, trả lời qua quýt cho xong.
Cô bảo, ngày 20/10 hay 8/3 là những ngày duy nhất mà cô không phải nghe những lời như thế từ mẹ hoặc từ những người xung quanh. Hóa ra, phụ nữ mình chẳng thực sự yêu nhau và trân trọng nhau mấy, vì như cô em nói, họ chỉ thực sự nghĩ mình là phụ nữ vào những ngày mà người ta ghi trên lịch là có liên quan đến họ, chỉ thực sự quên đi những vấn đề hệ trọng có tác động hàng ngày lên cuộc sống và sự mưu sinh của họ vào hôm đó, để được là phụ nữ, để được quan tâm, chăm sóc và… nhận quà (!).
Ngoài những ngày đó ra, phụ nữ lại vục mặt vào đời thường, lại trăn trở những tâm sự riêng, và tự làm khổ lẫn nhau bằng quan niệm cổ hủ tự ràng buộc họ trong bốn bức tường của căn bếp, tự dạy nhau làm thế nào để giữ chồng hoặc gây áp lực để đẩy những người con gái vào hôn nhân, tìm cách tước đi cơ hội được tư duy độc lập và quyền ra quyết định của họ về tương lai.
Quả vậy, ngày 20/10 và 8/3 là những ngày mà thiên hạ đổ xô nhau đi mua hoa tặng họ, nói vào tai họ những lời có cánh, dành cho họ những dòng trạng thái xúc động trên mạng xã hội. Còn những ai cảm thấy sự quan tâm ấy là chưa đủ thì tự an ủi mình bằng những cuộc ăn uống của riêng phái nữ với nhau, đùa nhau rằng, đấy là ngày họ “vùng lên”.
Đằng sau những hành động theo kiểu “vùng lên” ấy, dù chỉ là nói đùa thôi, là thể hiện sự yếu thế của họ trong xã hội hoặc sự tự ti với chính họ. Khi mà người ta vẫn ca ngợi và tôn vinh sự hy sinh của phụ nữ, coi đó như là một đức tính cần phải có, thì có nghĩa là người ta mặc nhiên chấp nhận vị thế yếu hơn và sự thiệt thòi của họ.
Điều đó cũng có nghĩa là số đông sẽ không hề vứt bỏ các định kiến lâu nay vẫn áp đặt lên người phụ nữ và cũng không làm gì để thay đổi điều này. Trong số đông ấy, có rất nhiều phụ nữ.
***
Hơn một tuần trước 20/10 là Ngày Quốc tế trẻ em gái. Các tin tức về ngày mà LHQ đặt ra để nêu bật các vấn đề nghiêm trọng phải đối mặt hàng ngày của các bé gái, nhất là ở các nước đang phát triển, trong đó có chúng ta, hoàn toàn bị phủ lấp bởi bao chuyện tầm phào và lặt vặt khác trong cuộc sống mạng xã hội.
Nói thế để thấy, chẳng ai quan tâm đến ngày này. Cũng chỉ mới gần đây thôi, người ta mới sôi sục lên sau khá nhiều các vụ ấu dâm bị đưa lên mặt báo. Khi mà phụ nữ chỉ được thực sự tôn vinh vào những ngày có chữ phụ nữ, và số đông vẫn hám sinh con trai, vẫn thiếu tôn trọng các bé gái, thì xã hội này còn phải trả lời nhiều câu hỏi cần phải trả lời liên quan đến “nửa kia” lắm...
Trương Anh Ngọc