Bái Tử Long không chỉ có Thiên Nga
(Thethaovanhoa.vn) - Hòn Thiên Nga nổi tiếng tại vịnh Bái Tử Long đột nhiên... rụng mất đầu. Tai nạn ấy vô tình được phát hiện bởi một nghệ sĩ nhiếp ảnh, khi đi ngang qua đây trong tháng trước.
Để rồi, khi câu chuyện lan rộng, chúng ta mới cùng nhau nuối tiếc và lục lại những bức ảnh trong quá khứ, để xem "Thiên Nga" tại vịnh Bái Tử Long độc đáo và giống... thiên nga thật tới mức nào.
Và theo các chuyên gia, chuyện "mất đầu" của Thiên Nga nhiều khả năng là đến từ những diễn biến của tự nhiên, chứ không phải do ai chặt. Nghĩa là, dù tiếc và muốn tìm nơi trút giận đến mấy, chúng ta chỉ có thể trách... tự nhiên trong việc làm hỏng hòn đảo đá đặc biệt này?
Khi một sự cố xảy ra, chúng ta thường có 2 việc cần làm: khắc phục hậu quả, và rút kinh nghiệm cho những bài học sau này. Và với câu chuyện thứ nhất, những ý tưởng về việc tìm cách phục dựng "Thiên Nga" cũng bước đầu được nêu ra.
Nghe qua thì khá đơn giản, khi theo giới nghiên cứu, những đảo đá tại đây thường cấu tạo từ những lớp đá vôi xếp chồng lên nhau qua thời kỳ vận động địa chất. Rồi, theo thời gian, nước mưa, quá trình phong hóa và những rung động tự nhiên khiến các lớp đá này tự tách rời và trượt xuống biển.
Có nghĩa, chỉ cần tìm vớt lại phần đầu của Thiên Nga và gắn lại vào "thân", chúng ta sẽ lại có một hòn đảo "gần giống" với nguyên bản trước đây?
Cách làm ấy có vẻ khả thi trên lý thuyết. Nhưng theo phía quản lý, phần đá bị rụng xuống không còn giữ được hình dạng ban đầu vì bị va đập. Vậy, nếu cố phục dựng, chúng ta có nên tìm cách "trang trí" lại phần đầu bằng những vật liệu giả đá để phỏng theo hình dáng cũ?
Câu chuyện ấy ít nhiều khiến người viết nhớ lại trường hợp của hòn Phụ Tử tại Kiên Giang tròn 10 năm trước. Năm 2006, thắng cảnh nổi tiếng của biển Hà Tiên bỗng rơi vào cảnh "một mất một còn", khi một trong 2 cột đá (tạo thành hòn Phụ Tử) gãy đổ và trôi xuống biển.
Ở thời điểm ấy, một cuộc tranh cãi gay gắt về việc có nên phục dựng hòn Phụ Tử đã được đặt ra. Và, khá nhiều ý kiến phản đối với lý do: Hòn Phụ Tử vốn là tác phẩm của... thiên nhiên. Bởi vậy, khi có bàn tay của con người can thiệp, ý nghĩa và những lớp huyền tích văn hóa đi theo nó cũng mặc nhiên không còn.
Vì nhiều lý do, Hòn Phụ Tử đến giờ vẫn chưa được phục dựng. Nhưng, tại địa phương, hiện trạng đổ sụp một bên của hòn đảo đá nổi tiếng ấy ít nhất cũng có chút gì thu hút sự hiếu kỳ của những du khách đi qua. Và theo tâm lý chung, khi nghe kể về chứng tích của tự nhiên dẫn tới cảnh "một mất một còn" ấy, chắc chắn du khách nào cũng sẽ có sự tò mò để chiêm ngưỡng những bức ảnh cũ, xem lại Hòn Phụ Tử "nguyên bản" trong quá khứ.
Nghĩa là, dù bị thiên nhiên phá hỏng một phần, di sản vẫn không đến nỗi hoàn toàn mất đi giá trị của mình. Và ở đây, người viết bỗng nhớ tới trường hợp của kì quan "12 tông đồ" tại biển Victoria, Australia.
Chỉ là những cột đá lớn đứng giữa biển nước mênh mông, 12 cột đá ấy được đặt cho cái tên "12 tông đồ" theo Kinh Thánh. Để rồi, theo thời gian, sự xói mòn của nước biển với các dãy đá vôi tại khu vực này đã khiến 4 "tông đồ" lần lượt rơi xuống biển.
Thế nhưng, với hiệu ứng từ cách khai thác truyền thông đặc biệt, những dòng khách du lịch hàng năm vẫn đổ tới đây không ngừng với lý do đơn giản: họ muốn tranh thủ chiêm ngưỡng 8 "tông đồ" còn lại, trước khi đến lượt chúng cũng rơi xuống biển, trước sức ép khó cưỡng của tự nhiên.
Trở lại với hòn Thiên Nga, câu chuyện "rút kinh nghiệm" có lẽ không đơn thuần chỉ là việc gắng tìm phương pháp bảo vệ những hòn đảo đá tại vịnh Bái Tử Long trước sức ép của thiên nhiên. Xa hơn, đó lại là câu hỏi về việc khai thác vùng vịnh nằm cạnh Di sản Thế giới Hạ Long cho tương xứng với tiềm năng - bởi dù mất đi hòn Thiên Nga, Bái Tử Long chắc chắn vẫn có rất nhiều điểm để xem và để kể.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa