29 hay 33 chữ cái?
(TT&VH Cuối tuần) - "Sẽ đề xuất thêm các chữ F, J, W, Z vào tiếng Việt nhưng không thay đổi chương trình học" (TS Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT nói về dự thảo thông tư quy định hướng dẫn sử dụng tiếng Việt trong máy tính và hệ thống giáo dục quốc dân).
Những lời phát biểu rất ngắn thôi của người đứng đầu một Cục thuộc "ngôi nhà" Bộ GD-ĐT bỗng chốc làm dậy sóng trong dư luận. Cũng dễ hiểu thôi, toàn bộ những lời phát biểu này, cộng thêm những lời của nhà báo, trong bài báo khoảng 500 chữ trên VTCNews, đều chỉ sử dụng vẻn vẹn có 29 chữ cái tiếng Việt (a, b, c) thân quen, không hơn. Còn 4 chữ cái sắp thêm vào nói trên vẫ trích dẫn nguyên văn trong ngoặc kép "F, J, W, Z".
Tất nhiên bài báo nói trên, hay bài báo bạn đang đọc đây đều được chế bản trên máy tính, và do đó 4 chữ cái trên vẫn được sử dụng (để tạo thành các dấu), chỉ có điều nó chưa được "hiển thị" mà thôi, hay nói đúng hơn, để cho hiển thị, bạn phải viết sau dấu cách hoặc nhấn hai lần hoặc phải tắt bộ gõ tiếng Việt đi. Điều đó có nghĩa rằng, hầu như tất cả chúng ta đều không xa lạ với hình hài 4 chữ cái này.
Song việc "quen mặt" chúng với việc kết nạp chúng trở thành thành viên trong "đại gia đình" các chữ cái tiếng Việt là việc lớn. Để ủng hộ hay phản đối thì cần phải hiểu rõ mức độ sử dụng chúng như thế nào. Nếu chỉ sử dụng chúng để viết những chữ ngoại lai trong văn bản tiếng Việt (file, wifi...) thì còn dễ chấp nhận, nhưng để thay đổi cả cách biểu thị âm vị tiếng Việt thì quả thực là một cuộc "đại cải cách" lành dữ ít nhiều. Chỉ có 29 chữ cái thôi mà học trò đã viết sai chính tả tùm lum, các văn bản từ báo chí đến quy phạm pháp luật đều đầy sạn trong cách viết tiếng Việt rồi. Bây giờ tăng lên 33 chữ, thì thành… nồi sạn là cái chắc. Trước đây mới chỉ gặng hỏi nhau "chờ "trâu" hay chờ "chó" (tr hay ch), tới đây, giả sử thêm 4 chữ cái biểu thị âm vị tiếng Việt nữa, thì chắc lại có thêm câu "phờ" "phở" hay phờ fax" (ph, f).
Hiện dự thảo chưa đưa ra, nên rất khó bàn, nhưng tôi đồ rằng 4 chữ cái kể trên chỉ được thêm vào để biểu thị những trường hợp ngoại lai như nói trên. Hy vọng là dừng ở chỗ đó. Tuy nhiên, thế giới không chỉ có tiếng Anh, mà còn có cả tiếng Đức, Pháp, Nga nữa, nếu cứ tư duy phải mở rộng bảng chữ cái, để chính danh cho các chữ ngoại, thì đại gia đình tiếng Việt sẽ không dừng ở 33 chữ cái (rất tiếc, thưa các bạn, là một số chữ đặc chủng của Nga, Đức lại không có trên bàn phím vi tính để tôi dẫn ra đây).
Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, tăng cường khả năng biểu đạt của tiếng nước ta có lẽ không ở chỗ (hoặc không chỉ ở chỗ) mở rộng bảng chữ cái.
Đông Kinh