Diễn đàn văn hóa: Hà Nội và 'ký ức' SEA Games
Cuối cùng, ngày mà chúng ta chờ đợi đã tới: Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra vào tối nay 12/5 tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội.
Trong sự hào hứng chung của khán giả cả nước trước một sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, người dân Hà Nội hẳn cũng sẽ có những cảm xúc riêng, khi đây là lần thứ 2 thành phố này đứng ra đăng cai tổ chức SEA Games.
Lần thứ nhất là câu chuyện của SEA Games 22 diễn ra vào 19 năm trước - năm 2003, thời điểm mà rất nhiều tình nguyện viên ở độ tuôi Gen Z trong những ngày này còn chưa ra đời.
Nhưng với những khán giả Hà Nội ở độ tuổi cứng hơn, câu chuyện đón SEA Games của 19 năm trước hẳn vẫn còn trong tâm trí. Đó không chỉ là câu chuyện của tuổi trẻ, của nhiệt huyết mà còn là sự háo hức để đón một SEA Games lần đầu trong lịch sử thành phố.
Hà Nội khi đó mới chỉ ở những năm đầu của giai đoạn hội nhập, chưa có nhiều cao ốc, nhiều trục phố lớn - và tất nhiên, thông tin cũng không tràn ngập trên mạng xã hội như bây giờ. Thế nhưng, suốt hơn một tuần lễ của SEA Games 22, mọi con nẻo đường trên thành phố đều rực rỡ băng rôn, biểu ngữ, còn nhiều gia đình cũng tự phát treo cờ như ngày quốc lễ, với niềm hứng khởi hồn nhiên về một sự kiện thể thao lớn trên cương vị chủ nhà.
Đêm khai mạc hoành tráng và ấn tượng. Những ngày thi đấu sôi nổi và trong sáng. Sự thân thiện và tận tụy của cả một cộng đồng - từ những tình nguyện viên cho tới mọi người dân thành phố. Rồi tột đỉnh niềm vui với môn thể thao vua khi U23 Việt Nam vào chung kết - và cũng là tận cùng nỗi buồn khi lần đó chúng ta chưa thể chạm tới chiếc Huy chương vàng. Tất cả những câu chuyện ấy đã là quá đủ để mọi thứ lại ùa về trong những ngày này.
Chẳng vậy, vài ngày trước, khi nữ ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ bản cover mới ca khúc “Vì một thế giới ngày mai” (bài hát chính thức của SEA Games 22) trên facebook cá nhân, đã có cả vạn lượt thích, cộng cùng những comment ngập tràn trong ký ức của khán giả. Rằng, rất nhiều người trong số họ vẫn giữ lại cho mình những chú trâu vàng - linh vật của kì SEA Games trước. Rằng, nhiều lần, họ vẫn vô tình lẩm nhẩm câu hát “Nắng phương Đông chiếu sáng SEA Games,Việt Nam hân hoan chào đón” vốn đã in sâu trong trí nhớ của mình.
- Sôi động chào đón Sea Games
- Rộn ràng lời ca, visual đỉnh cao trong MV 'Hãy tỏa sáng' chào đón SEA Games 31
Bây giờ, sau 19 năm, Hà Nội đã rất khác. Khác về hạ tầng, điều kiện kinh tế và sự phát triển công nghệ để đăng cai một sự kiện như SEA Games, cũng như khác cả về vị thế sau khi đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn trong gần 2 thập kỷ qua. Sự háo hức của “lần đầu” với SEA Games cũng phần nào đã được thế hệ trung niên chuyển qua những người trẻ, vốn chưa có dịp theo dõi và cảm nhận đầy đủ bầu không khí mà năm 2003 từng có.
Nhưng chắc chắn, chẳng vì vậy mà SEA Games trong mắt một ai đó trở nên nhàm chán và buồn tẻ. Từ cảm xúc của ký ức, hãy cứ tận hưởng một SEA Games của hiện tại. Một đời người, liệu có mấy lần chúng ta được trải nghiệm sự kiện ấy trên thành phố của mình?
Trí Uẩn