Diễn đàn Hiến kế giải cứu giao thông đô thị (Bài 4)
(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù các ngành, các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông, nhưng tình trạng vi phạm luật vẫn phổ biến. Việc mỗi người tự giác xây dựng ý thức văn hóa giao thông cho chính mình là cần thiết để giảm ùn tắc giao thông.
- Diễn đàn Hiến kế giải cứu giao thông đô thị (Bài 3): Phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc
- Diễn đàn Hiến kế giải cứu giao thông đô thị (Bài 2): Bố trí quy hoạch đất và hạ tầng hợp lý
Sáng nào cũng vậy, từ 7 giờ 30 đến 9 giờ, nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch lại rơi vào tình trạng tắc đường. Tại các điểm chờ tín hiệu đèn giao thông, sau hàng dài những chiếc xe ô tô xếp hàng, thì số đông người đi xe gắn máy phía sau len lỏi, lấn làn, phi lên vỉa hè… chạy lên trước lộn xộn như kiến vỡ tổ. Khi các phương tiện đều cố gắng luồn lách, tách làn thì chẳng mấy chốc nút giao tắc kín, các phương tiện như cá mắc cạn. Mặc cho tín hiệu đèn xanh trôi qua hết lần này đến lần khác, mọi người cùng chịu cảnh đứng chen chân giữa dòng xe cộ chen chúc.
Nhiều người lao lên vỉa hè đi càng khiến giao thông thêm ùn tắc tại nút giao Giải Phóng - Pháp Vân.
Không ít nút giao cắt ở Hà Nội hiện nay xảy ra tình trang ùn tắc thường xuyên. Nhiều tuyến đường ùn tắc huy động cả lực lượng dân phòng, công an cơ sở đứng ra để phân luồng lưu thông, nhưng mọi người vẫn chen nhau, không ai quan tâm tới tín hiệu đèn giao thông.
Và con đường chỉ được thông thoáng khi có cảnh sát giao thông (CSGT) xuất hiện, tuýt còi liên hồi và phân luồng mỏi tay. Phương tiện tham gia giao thông nhiều, đường chật hẹp, nên ùn tắc là chuyện dễ hiểu, nhưng tình trạng ùn tắc cũng xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của mỗi người.
“Chỉ vì thiếu ý thức, nôn nóng, vội vàng vài phút đồng hồ, mà khi tham gia giao thông có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh phản cảm như: Cố tình vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lấn làn, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu... Nhất là ở những nút giao ngã ba, ngã tư, chỉ cần vắng bóng CSGT là không ít người, nhất là thanh thiếu niên sẵn sàng vi phạm luật.
TNGT đường bộ do người điều khiển xe gắn máy gây ra hiện chiếm tỷ lệ gần 80% nguyên nhân số vụ, kéo theo ùn tắc. Hầu hết người vi phạm luật giao thông đều chưa hiểu biết hết những nguyên tắc về giao thông, dẫn đến điều khiển xe theo cảm tính, hậu quả của việc thiếu ý thức này đã dẫn đến không ít vụ TNGT...”. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội trao đổi.
Làm thế nào để cải thiện được tình trạng này? Câu trả lời nằm ở ý thức của người tham gia giao thông. Theo đại tá Đào Vịnh Thắng, để giảm thiểu TNGT, điều cần làm trước tiên là tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, trong đó tập trung tuyên truyền cho các đối tượng thanh, thiếu niên từ 18 - 33 tuổi, bởi đây là độ tuổi gây TNGT chiếm tỷ lệ rất cao. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, các cấp, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến tận từng người dân bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
Tham gia giao thông có văn hóa
Giao thông được coi như một nét văn hóa và những người tham gia giao thông là những người tạo nên nét văn hóa đó. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, tôn trọng những người xung quanh, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và trật tự nơi công cộng.
Nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và TNGT đã được nhiều cơ quan hữu quan phân tích, đánh giá do hạ tầng hạn chế, phương tiện gia tăng nóng hoặc không bảo đảm điều kiện an toàn… Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là ý thức của con người, cụ thể là hành vi thiếu ý thức chấp hành luật giao thông đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các tuyến đường.
Ùn tắc tại nút giao do sự thiếu ý thức của nhiều người tham gia giao thông. Ảnh minh họa
Trên khắp những tuyến đường của Hà Nội, từ nội đô ra ven đô, từ đường phố ra đường quốc lộ, mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy những thông điệp tuyên truyền về an toàn giao thông như: "Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ"; "An toàn là bạn - tai nạn là thù"; "Hãy cài quai và đội mũ bảo hiểm đúng quy cách", “Văn hóa giao thông - Hãy không lơ là”, “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”…
Mỗi người tham gia giao thông chỉ cần chậm lại vài giây, đọc hiểu được những “slogan” này, cũng có thể ý thức được ý nghĩa của việc chấp hành luật giao thông. Chấp hành đúng mọi quy tắc khi tham gia giao thông, biết từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên, nhường nhịn cho người già, trẻ em... là những hành động có văn hóa và cần được tuyên truyền sâu rộng.
Từ những hành vi ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông sẽ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, làm nhiều người bị thương, thậm chí là tử vong. Tổn thất do ùn tắc và TNGT để lại là hệ lụy lâu dài cho gia đình, xã hội, cộng đồng.
Do vậy, mọi người dân cần phải có trách nhiệm xây dựng văn hóa giao thông ngay từ những hành vi nhỏ hàng ngày trên đường. Ngoài ra, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi thiếu văn hóa, đảm bảo đủ sức răn đe và tạo chuyển biến trong nhận thức của người tham gia giao thông. Có như vậy mới tạo được một môi trường giao thông văn hóa.
Theo Đăng Sơn - Tin tức