Diễn đàn 365: Khi người trẻ hướng về truyền thống
Chúng ta đã đi qua dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được vài ngày. Nhưng, vẫn có những điều để nói - và để ngẫm - về cột mốc này, với những gì đã diễn ra.
Cụ thể, giữa tuần trước, Lễ trao tặng di ảnh của 10 nữ anh hùng dân quân Lam Hạ diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Ở đó, các di ảnh màu được phục dựng về 10 nữ liệt sĩ đã đượctrao tặng cho bảo tàng.
Thực tế, câu chuyện về 10 nữ liệt sĩ hy sinh tại trận địa pháo phòng không Lam Hạ (Hà Nam) trong chiến tranh chống Mỹ đã được cộng đồng biết tới từ lâu. Nhưng do hạn chế về công nghệ cũ và bối cảnh lịch sử, chân dung họ để lại chủ yếu là những bức ảnh đen trắng mờ nhòe theo thời gian, đa phần mất nét khiến thế hệ sau khó hình dung rõ khuôn mặt.
Còn bây giờ, với việc sử dụng các công nghệ hiện đại, những di ảnh được phục dựng đều là ảnh màu, với đường nét rõ ràng, màu sắc tươi sáng, giúp khuôn mặt của các nữ anh hùng được hiển thị một cách đầy đủ, trọn vẹn về đường nét và cá tính.
Và câu chuyện ấy khiến nhiều người nhớ tới một thực tế: Việc phục dựng ảnh chân dung các liệt sĩ đang dần trở thành một nghĩa cử tri ân phổ biến trong những năm qua.
Ở đó, nhiều tấm hình liệt sĩ đen trắng cũ mờ, không còn nguyên vẹn, hoặc các bức chân dung vẽ truyền thần, vẽ ký họa bằng bút chì... đã lần lượt được khôi phục để mang lại niềm vui cho gia đình của các liệt sĩ cũng như cộng đồng.
Phía thực hiện hình thức tri ân này thường là các nhóm họa sĩ trẻ tình nguyện, đứng ra kết nối với gia đình các liệt sĩ hoặc phối hợp cùng các cơ quan chức năng. Đơn cử, cũng vào giữa tuần qua, nhóm họa sĩ trẻ của tổ chức Trái tim người lính Việt Nam cũng vừa phục dựng thành công 8 di ảnh màu khác để trao tặng cho nhiều gia đình liệt sĩ - trong đó có bức ảnh liệt sĩ Tuấn Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tây Tiến nổi tiếng thời chống Pháp.
Hoặc trước đó, trong một thời gian dài, báo giới và cộng đồng cũng từng nhắc tới nhóm họa sĩ tình nguyên Team Lee từng tham gia phục dựng (và trao tặng) nhiều di ảnh liệt sĩ, trong đó có chân dung của 10 nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.
***
Như chia sẻ, những người thực hiện việc phục dựng những di ảnh chân dung liệt sĩ đều phải có kiến thức khá vững về đồ họa cũng như công nghệ. Xa hơn, họ cũng thường xuyên phải tìm hiểu những kiến thức về lịch sử, văn hóa, quân trang… của từng thời kỳ. Và để những bức di ảnh này có thần thái, cũng không thể bỏ qua cảm xúc biết ơn và thành kính từ các họa sĩ trẻ với tiền nhân.
Nhìn rộng hơn, chúng ta cũng không thiếu những ví dụ về việc khai thác công nghệ và tri thức trong việc tri ân những đóng góp và sự hy sinh của thế hệ trước. Những thay đổi về hình thức trưng bày, thuyết minh, tương tác, xây dựng khung chương trình… tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) - một điểm đến thu hút khá nhiều bạn trẻ trong những năm qua - là ví dụ điển hình.
Giới trẻ, trong một chừng mực, cũng đang bị gắn với những định kiến về sự hời hợt, ích kỷ và vô cảm. Công nghệ, trong mắt một số người, là lý do khiến con người trở nên lười biếng và sùng ngoại. Nhưng với những gì đang diễn ra, rõ ràng, khi được khơi gợi và tạo cảm hứng, người trẻ và công nghệ - với thế mạnh của mình - đang mang lại một màu sắc tươi mới trong việc hướng về truyền thống.