Điểm số và con dấu
Bộ GD&ĐT từng dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Hay cộng điểm thưởng cho những học sinh là tấm gương điển hình về đạo đức, lối sống... Rồi cuộc tranh luận kéo dài chưa biết bao giờ có hồi kết là xã hội hóa sách giáo khoa, nhiều bộ sách cùng cạnh tranh để có chỗ đứng trong chương trình. Mới đây, các trường đại học cải tiến cách tuyển sinh, từ tuyển sinh riêng đến ba chung, nay lại bỏ chung để: kết hợp riêng chung...
Trong việc tuyển sinh, ầm ĩ nhất có lẽ là chuyện đề xuất dùng môn văn để xét tuyển vào ngành y. Trường kinh tế xét tuyển ngành sinh học...
Hiện nay, dư luận đang bàn tán xôn xao về việc bậc tiểu học bỏ việc đánh giá học sinh bằng điểm số, thay bằng những nhận xét của giáo viên. Việc đó nhằm tránh bệnh hình thức, để giáo viên đánh giá năng lực của học sinh một cách linh động, nhân văn và chính xác hơn. Nhưng…
Bộ có chủ trương, thầy cô cũng không thiếu “sáng kiến học đường” mà một tờ báo đã thốt lên rằng “Bộ có quyết sách, thầy cô có đối sách”. Thay vì nhận xét cụ thể cho từng học sinh, nhiều thầy cô giáo đã đi khắc dấu để đóng vào bài kiểm tra của học sinh. Đó là cách dễ dàng giúp thầy cô đối phó lại áp lực công việc đột ngột gia tăng.
2. Có thể con dấu bây giờ được khắc dễ dàng, sắc nét. Nhưng dù thế nào thì con dấu vẫn là con dấu, nó vô hồn. Nhìn con dấu đóng vào vở của con, bao nhiêu bậc phụ huynh tự hỏi nó có cụ thể, tâm huyết hơn những điểm số trước kia? Những tính từ mang đầy tính cảm thán: “Cô khen, con cần cố gắng”, “Con tiến bộ, cố gắng phát huy nhé”, “Con làm tốt lắm”… hóa ra không phải nét chữ với bao tâm huyết, trìu mến trên bài vở mà đó là những con dấu khắc sẵn..
Nhiều người chúng ta không thể quên hình ảnh trong Những tấm lòng cao cả từng học trên ghế nhà trường: Bà giáo già Crôme, người lớn tuổi nhất trường khi bước chân vào lớp, đã nói với các học trò nhỏ: "Các con nên trọng mái tóc bạc của ta một chút! Ta không những là một bà giáo, ta còn là một người mẹ!".
Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình. Trước áp lực, không đòi hỏi mỗi cô giáo là một người mẹ, nhưng cũng không thể mỗi cô như một người đóng dấu, những người xã hội ấn tượng với hình ảnh “Mặt lạnh như tiền" đầy tính hành chính.
Học sinh cần kỷ luật, tình thương, và tình thương ấy phải là sự chân thật chứ không phải là những con dấu lạnh lùng. Như thế, chủ trương đầy nhân văn và khoa học của ngành giáo dục mới phần nào trả lời được sự kỳ vọng của xã hội giống như ngọn cờ “đổi mới và cải cách” mà ngành theo đuổi chứ không phải là sự vá víu. Để rồi lại tiếp tục có chính sách để “cải cách” sự vá víu ấy.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa