A+ A A- Kiểu đọc sách

Trà Vinh có gì lạ?

12:25 27/06/2017
loading...

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Trà Vinh là thành phố có đông người Khmer sinh sống thứ 2 ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như ở Việt Nam, chỉ sau Sóc Trăng. Người khmer khi chết thì hỏa táng, tro cốt để trong bình rồi đưa vào chùa. Bình đựng tro cốt được để trong các tháp ở chùa.

Đời sống văn hóa, tâm linh của người khmer được thể hiện rõ nhất qua kiến trúc của các ngôi chùa. Các ngôi chùa khmer có sự giao hòa, kết hợp giữa Phật giáo và Bà la môn giáo (một đẳng cấp của Ấn Độ giáo).

Các bạn quan sát kiến trúc của các ngôi chùa ở Trà Vinh (Sóc Trăng tương tự) thì sẽ thấy nó rất khác với chùa của người Kinh. Ở các góc mái chùa đều có tạo hình con rắn còn ở các đầu cột chống ở 4 góc là tượng chim thần, ở các đầu cột chống còn lại là tượng nữ thần. Đó là rắn thần Naga, chim thần Krud (cả Naga và Krud đều là con của phật ca diếp, một trong 6 vị phật trước phật thích ca mâu ni mà người khmer thờ cúng hiện tại và là vị phật thứ 3 trong hiền kiếp) và nữ thần có cánh Keynor.

Chú thích ảnh

Cả thần Keynor lẫn thần Krud đều được tạo hình với tư thế giang rộng tay đỡ lấy mái chùa. Tất cả đều là các linh vật hoặc nhân vật thần thoại trong Bà la môn giáo. Đó chính là tôn giáo đầu tiên của người khmer do các thương lái Ấn Độ tới Đông Nam Á truyền đạo trước khi họ theo phật giáo sau đó. Người khmer rất tôn thở rắn Naga.

Chú thích ảnh

Có sự tích là đức phật trong lúc đang tọa thiền thì trời đổ mưa to. Khi đó, Naga đã cuộn tròn quấn thành nhiều vòng quanh đức phật, tạo thành bệ ngồi nâng người lên rồi bành mang ra che mưa cho đức phật nên người có thể tọa thiền mà không hề bị ướt. Đấy là lí do vì sao những người khmer theo đạo phật rất tôn thờ rắn Naga và coi Naga như một vị thần luôn che chở và đem lại may mắn, bình an cho cuộc sống của họ.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Sự tôn kính với thần rắn Naga được người Khmer thể hiện ngay trong kiến trúc của các ngôi chùa khi họ biến Naga thành một đặc trưng kiến trúc cho ngôi chùa của mình. Một đặc điểm kiến trúc khác của các ngôi chùa Khmer là bộ mái ngôi chính điện của các chùa có nhiều cấp (lớp) chồng lên nhau và ở hai đầu hồi có hình tam giác cân. Ở chính giữa có một tháp cao. Dấu ấn khmer thể hiện đậm nét trong kiến trúc chùa chiền của Trà Vinh như thế. Đó là thứ văn hóa không phải để giải trí nhưng đủ hấp dẫn với những người quan tâm và thích tìm hiểu những dấu tích lịch sử của một thời.

********

Cafe 1985 & hoài niệm thời bao cấp

Trà Vinh có khá nhiều quán cafe đẹp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nhưng có một quán khác ở đường Phạm Ngũ Lão khiến người ta chú ý ngay từ cái tên của nó cho tới cách chủ quản thiết kế và bài trí những vật dụng bên trong. Đó là Cafe 1985. 1985 là thời kỳ kinh tế Việt Nam vẫn trong thời kỳ bao cấp hết sức khó khăn.

Phải sinh ra và sống trong những năm tháng ấy thì người ta mới cảm nhận được đầy đủ cái không khí của một thời kỳ lịch sử đã trôi qua mấy chục năm nay. Hồi ấy tôi còn nhỏ nhưng đâu đó trong ký ức vẫn còn lưu giữ những hình ảnh về cái thời mà nhà ai có chiếc xe máy Simson của Đông Đức (cũ) để đi đã là khá giả lắm. Kém hơn một chút là chiếc Barbetta của Tiệp Khắc (cũ).

Chú thích ảnh

Cái thời của chiếc VEF 206 với giọng bình luận bóng đá sôi nổi của Hoài Sơn vang lên mỗi chiều Chủ Nhật. Thời mà bánh xà phòng 72 của Liên Xô (cũ) được phân phối như một thứ của hiếm. Thời của chiếc tivi Neptune trắng đen, màn hình lồi của Ba Lan hay chiếc xe phượng hoàng xích hộp do Trung Quốc sản xuất mà nhà ai có để xem, để đi cũng đã được coi là có điều kiện lắm rồi.. Bước chân vào cafe 1985, tất cả hồi ức về một thời xưa cũ lại ùa về.

Đây những chiếc bàn được chủ quán làm từ những khung cửa sổ cũ kỹ. Đây chiếc đèn dầu nhỏ. Kia chiếc đèn manchon (măng sông). Rồi chiếc máy khâu con bướm cũ. Rồi chiếc barbetta huyền thoại. Rồi chiếc tivi đen trắng màn hình lồi...Cả một thời kỳ lịch sử của mấy chục năm về trước hiện lên sống động ngay trước mắt. Quán có nhiều khu, ngoài sân, trong nhà, ngoài hiên, được thiết kế giao hòa với thiên nhiên. Có kệ sách với nhiều cuốn sách lịch sử cho các bạn ham đọc.

Có nhiều bức họa chân dung các nhân vật lịch sử, các chính khách, quân sự gia, doanh nhân nổi tiếng như Bác Hồ, Che Guevara, Napoleon, Bố già, Bill Gates... Quán cũng có một sân khấu ca nhạc nhỏ kiểu “hát cho nhau nghe” nơi những bản nhạc xưa, nhạc Trịnh vang lên hàng tối. Đến với Cafe 1985 là để sống lại với những tháng năm của thời bao cấp nhiều gian truân nhưng cũng lắm niềm vui.

************

Bún nước lèo

Nói đến Trà Vinh thì bắt buộc phải nhắc đến bún nước lèo. Đây vốn là món ăn dân dã nhưng chính vì dân dã nên nó trở nên rất phổ biến và trở thành biểu tượng của ẩm thực Trà Vinh đến mức mà người ta bảo rằng nếu bạn chưa ăn bún nước lèo có nghĩa là bạn chưa đến Trà Vinh.

Món ăn nổi tiếng của người khmer này tuy bây giờ phổ biến ở nhiều tỉnh thành ở miền Tây và miền Nam (Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu...) nhưng ăn ở Trà Vinh và Sóc Trăng mới là ngon nhất.

Chú thích ảnh

Không thể kìm hãm sự háo hức lại, tôi tìm đến một chị người khmer bán bún nước lèo ngay trước cổng chùa Long Khánh để thưởng thức món ăn được xem là hồn cốt, là tinh hoa của ẩm thực Trà Vinh. Không phải nhà hàng sang trọng, đắt đỏ gì mà chỉ là hàng ăn trên vỉa hè, thưởng mở bán từ 4h chiều hàng ngày mà dân tình bảo đã bao năm nay hàng của chị lúc nào cũng đông như kiến và chỉ sau vài tiếng đồng hồ là bán hết veo.

Bún nước lèo ngon nhất dĩ nhiên là ở nước lèo. Người Khmer ở Trà Vinh làm nước lèo từ mắm bò hóc. Để tạo ra loại mắm này người ta chế biến từ các loại cá nước ngọt, cạo sạch vẩy, bỏ đầu, bỏ ruột, ngâm trong nước muối vài tiếng rồi đem phơi khô. Rồi ướp đường, tiêu, ớt, tỏi... rồi rửa lại cá bằng nước muối.

Xong rồi cho cá vào hũ ướp với muối và trộn lẫn với cơm nguội theo tỷ lệ nhất định và ủ khoảng 2 tháng. Sau đó lại cho cơm nguội vào tiếp tục trộn lên rồi đem hũ cá ra phơi nắng vài tháng nữa thì sẽ thành mắm bò hóc.

Khi làm bún nước lèo (sợi bún trắng, to, tròn, dẻo), người ta lấy bún cho vào tô trước rồi cho mắm bò hóc cùng với cá đã làm chín, lọc hết xương, đã được giã nhỏ ra vào nồi nước sôi rồi múc vào bát bún ăn cùng rau ghém như bắp chuối, giá, húng...Tùy khẩu vị mỗi người mà có thể ăn kèm với dấm ớt. Còn có nhiều “biến tấu” khác của món này để làm cho hương vị thêm đa dạng như ăn với thịt heo quay, thịt ba chỉ luộc, bánh tôm...

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...