(Dulich - Thethaovanhoa.vn) - Cách Hà Nội khoảng 30 km, xuôi quốc lộ 5, tới Phú Thị, rồi rẽ theo quốc lộ 182 đi chừng 12 km là tới chùa Dâu, nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Đây là ngôi chùa cổ, nằm trên đất Phật cổ, liên quan đến cùng đất mang đậm nét văn hóa của người Việt xưa với những địa danh liên quan đến lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc như thành Luy Lâu, nên đầu xuân nhiều người đến đây chiêm bái.
Là trung tâm Phật giáo cổ Việt Nam…
Chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân hay Cổ Châu, tọa lạc ngay trung tâm của khu di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu và phong phú bậc nhất của quê hương Kinh Bắc. Nơi đây là thủ phủ của quận Giao Chỉ (Giao Châu), trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của nước ta. Đến nay các di tích vẫn còn như thành cổ Luy Lâu, đền thờ và Lăng mộ Sỹ Nhiếp, hệ thống chùa tháp, đền đài, cung điện, lầu gác, bến bãi, gốm cổ, phố chợ sầm uất của đô thị Luy Lâu,... là chứng tích một thời kỳ dài hàng chục thế kỷ trước và sau Công nguyên.
Khi chúng tôi có mặt tại Chùa Dâu, một số di tích đã được trùng tu nhưng đường nét vẫn mang dáng dấp cổ kính. Chúng tôi được giới thiệu, Chùa Dâu là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, từ Ấn Độ sang và từ phương Bắc xuống, chủ yếu bằng đường thủy theo dòng sông Dâu. Vào buổi đầu Công Nguyên, các tăng sỹ Ấn Độ, tiêu biểu là Khâu-đà-la đã tới đây truyền bá đạo Phật đầu tiên. Cuối thế kỷ VI, nhà sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ Trung Quốc đến chùa này và lập nên một phái thiền ở Việt Nam. Chùa Dâu trở thành trung tâm của phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, nơi trụ trì của nhiều cao tăng Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đến để nghiên cứu, biên soạn, phiên dịch kinh Phật, đào tạo tăng ni.
Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, những tài liệu, cổ vật còn lại ở chùa Dâu, đặc biệt là bản khắc “Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh”, có niên đại 1752 cùng kết quả nghiên cứu về lịch sử Phật Việt Nam của các nhà sử học và Phật học đã khẳng định “Chùa Dâu là tổ đình của Phật giáo Việt Nam”, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28/4/1962.
Đến những pho tượng thần thái khác thường
Chùa Dâu gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương và tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), là biểu hiện sinh động sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với Phật giáo khi mới du nhập. Ngày mồng 8 tháng 4 không chỉ là ngày sinh Phật Thích Ca (Ấn Độ) mà là ngày sinh của Phật Tứ Pháp (Việt Nam).
Khi viếng chùa Dâu chúng tôi thật sự ấn tượng với những bức tượng Phật và La hán mà các nghệ nhân đã tạc nên. Tiền đường của chùa Dâu đặt tượng Hộ pháp, tám vị Kim Cương; gian thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm Vương, Tam Châu Thái tử, Mạc Đĩnh Chi. Thượng Điện để tượng bà Dâu (Pháp Vân), Bà Đậu (Pháp vũ), hai bên tượng bà Dâu là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ với khuôn mặt sống động trong tư thế của một điệu múa cổ xưa, phía trước là một hộp gỗ trong đặt Thạch Quang Phật là một khối đá.
Các pho tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng được đặt ở phần hậu điện phía sau chùa chính. Do chùa Đậu (Bắc Ninh) bị phá hủy, nên tượng bà Đậu (Pháp Vũ) được đưa về thờ ở chùa Dâu. Ngoài ra, trong chùa còn có rất nhiều pho tượng như: tượng tổ sư Tỳ- ni-đa-lưu- chi, 18 vị La Hán…
Đến thăm chùa Dâu, nếu vào chiêm bái và ngắm các bức tượng này, mọi người sẽ thật sự ấn tượng. Khác với những tượng Phật, Bồ Tát ở nhiều chùa tại Việt Nam hoặc trên thế giới đều thể hiện nét mặt vô thường, không quan tâm đến thế sự. những bức tượng ở Chùa Dâu lại có thần thái suy tư như trong cuộc sống đời thường. Có những bức tượng được tạc với cách suy tư, dường như đang lắng nghe câu chuyện của người đời với sự cảm thông sâu sắc. Lại có những bức tượng ánh mắt sinh động, khóe môi mỉm cười vừa thông minh lại vừa thân thiện.
Thật sự, nếu có thời gian chiêm ngưỡng, du khách có thể nghiên cứu kỹ từng bức tượng với cách đứng, nghiêng hay xoay đầu, nét mặt, ánh mắt… như đang nhập thế, rất lạ.
Lộc Nguyễn
Thể thao & Văn hóa