Diego Maradona và món quà sinh nhật sớm... 28 năm
(Thethaovanhoa.vn)- “Maradona đâu có ghi những bàn thắng ấy một mình, nhất là bàn “ấy” nữa. Tôi đã giúp anh ta rất nhiều đấy chứ”, ông Ali Bennaceur Nasser, vị trọng tài người Tunisia mỉm cười khi hồi tưởng lại trận đấu vĩ đại nhất trong sự nghiệp cầm còi của ông.
Hơn một tuần sau sinh nhật thứ 50 của Diego Maradona (sinh ngày 30/10/1960), lời bộc bạch ấy như một món quà nhỏ bé mà ý nghĩa vượt thời gian của ông vua áo đen.
Một ngày không như mọi ngày
Mặt trời trên đỉnh đầu chiếu rọi những cặp mắt háo hức trên sân Azteca hùng vĩ của thành phố Mexico. Một cuộc đối đầu đầy ý nghĩa chuẩn bị diễn ra giữa hai kỳ phùng địch thủ cả về chính trị lẫn bóng đá, sau 20 năm chưa gặp mặt tại các kỳ World Cup. Trận tứ kết World Cup 1986 giữa Anh và Argentina được cho là phảng phất hơi thở vẫn còn nóng hổi của cuộc chiến Falklands 4 năm trước đó. Thật ra, mọi thứ không tệ như cách báo chí thổi phồng. Ống kính truyền hình của BBC khi ấy soi vào những cốc bia trên tay khán giả trước khi trận đấu diễn ra và, quan trọng hơn, là những cái bắt tay thân thiện giữa các cổ động viên hai đội trên khán đài.
Chỉ ít phút sau những hình ảnh thân thiện ấy, từ đường hầm sân Azteca, những nhân vật chính bước ra. Dẫn đầu hai hàng cầu thủ là ba vị trọng tài mà chỉ ít phút sau trở thành... chủ đề tâm điểm của hai bình luận viên BBC.
Diễn biến trên sân không quá “khô”. Ngay phút thứ 13, một trong những pha bóng kỹ thuật nhất của World Cup 1986 đã diễn ra. Thủ thành Nerry Pumpido phán đoán sai điểm rơi của một cú phất bóng bổng. Trong nỗ lực sửa sai, ông trượt chân ngã nhoài, bóng đập xuống mặt sân và nảy trúng cằm Pumpido và nảy về hướng Beardsley. Ngay lập tức, người gác đền nhỏ con nhoài dậy và bứt tốc về phía hậu vệ phải người Anh đang băng tới trái bóng. Peter Beardsley chạm bóng trước và ngay trước khi đối thủ nhào tới, ông thực hiện một cú lắc hông dẻo như những vũ công tango trước khi né người sang trái, bỏ lại một vũ công tango khác là Pumpido lỡ trớn lao về phía trước. Ngay sau đó, ông thực hiện cú xoay người 180 độ về bên phải trước khi tung cú sút tung... cạnh lưới khung thành Argentina. Một pha bóng kỹ thuật không được ghi nhận.
Tổ trọng tài gây tranh cãi
Một pha bóng hài hước khác diễn ra trong hiệp một, khi trận đấu phải tạm dừng hơn hai phút. Diego Maradona, cái tên nóng hổi của giải đấu, chuẩn bị thực hiện một quả phạt góc từ biên phải theo hướng tấn công của Argentina, nhưng lại không thể lấy đà vì một nhóm phóng viên ảnh đang tác nghiệp ngay sát đường pitch. Một cái lắc đầu cùng nụ cười vị tha, Maradona đưa tay nhổ tung cột cờ để tiện chuyển hướng thực hiện quả phạt góc.
Maradona và bàn thắng "Bàn tay của Chúa" vào lưới tuyển Anh
Trọng tài biên phất cờ yêu cầu tạm dừng và ra hiệu lệnh cho số 10 của Albiceleste... cắm lại cột cờ. Bầu không khí căng thẳng, nhưng Diego thì ngoan ngoãn nhặt lại cột cờ với một thái độ bình thản, cắm lại vào vị trí góc sân. Người cầm cờ khó tính vẫn chưa hài lòng. Ông hai lần yêu cầu anh lồng lại cả chiếc cờ đã rớt khỏi cột. Maradona tuân thủ cùng một nụ cười hiền lành hiện ra trên mặt. Thay vì yêu cầu các phóng viên tạm rời vị trí tác nghiệp, vị trọng tài biên có cái tên thú vị Berny Ulloa Morera lại cố thổi phồng bầu không khí bóng đá đang nóng bừng trên sân bằng sự cứng rắn của mình.
Tuy nhiên, những tình tiết ấy vẫn không khiến cho 45 phút của hiệp một trở nên sôi động hơn với khán giả của BBC, bởi tổ bình luận trận đấu ấy vẫn còn đang bận tâm về vấn đề khác. Barry Davies, một trong những tên tuổi tầm cỡ của lịch sử bình luận bóng đá thế giới làm việc cùng Jimmy Hill, một chuyên gia phân tích thông minh nhưng ít sáng tạo. Phần lớn thời gian trên sóng truyền hình hiệp một của họ được dành cho việc phân tích vì sao FIFA lại “cả gan” chỉ định trọng tài Ali Bennaceur Nasser điều hành trận đấu, đơn giản vì ông là người Tunisia.
Với Davies và Hill, một trọng tài đến từ châu Phi không thể đủ đẳng cấp để cầm còi trong một trận cầu quan trọng đến thế tại World Cup. Họ dường như đã quên béng về hai cái tên khác, cũng đang mặc áo đen trên sân. Chúng ta đã nhắc tới Morera cứng nhắc đến từ Azerbaijan - một nền bóng đá kém phát triển hơn Tunisia rất nhiều. Và người thứ hai, một nhân vật quan trọng khác mà hẳn chỉ Nasser nhớ tới: Bogdan Dotchev, đến từ Bulgaria.
Dấu ấn trọng tài trong cả hai bàn thắng
Ngày 07/11/2014, tức 28 năm sau trận đấu lịch sử trên sân Azteca, Nasser khẳng định ông đã giúp Maradona... ghi cả hai bàn, nhưng lỗi trong pha bóng đầu tiên không phải của ông. Ở bàn đầu tiên - bàn thắng thể hiện hình ảnh “quỷ dữ” trong Maradona - ông cho biết: “Nhìn lại video mà xem: các bạn có biết vì sao tôi lại chạy lùi không? Khi ấy, tôi đang quan sát trợ lý người Bulgaria, chờ xem liệu ông ấy có ra hiệu gì không. Tôi đã nghi ngờ, nhưng tôi không nhìn rõ thấy cánh tay [của Maradona]. Trước giải đấu, FIFA đã đưa ra yêu cầu rất rõ ràng: Nếu đồng sự của mình ở một vị trí tốt hơn thì hãy lắng nghe quyết định của họ. Đó là những gì tôi làm: Trợ lý của tôi không hề phất cờ.”
Maradona nâng cao chiếc cúp vô địch cùng tuyển Argentina
Và thế là quả bóng trách nhiệm được chuyền vào chân Dotchev. Ông này phản ứng ra sao? Câu trả lời: suốt ba năm liên tục sau đó, ông gửi thư cho Nasser rằng: “Anh bạn của tôi, đồng nghiệp của tôi, cánh tay duy nhất giơ lên khi ấy là của Peter Shilton mà thôi”. Người ta đã tưởng rằng cái đầu siêu phàm của Maradona siêu lùn mới là vũ khí hạ gục đôi găng vàng nước Anh, Peter Shilton.
Ở bàn thứ hai - bàn thắng thể hiện hình ảnh “thiên thần” trong Maradona, Nasser khẳng định đã cho Maradona hưởng 3 lần lợi thế trước khi ông ghi bàn thắng đẹp nhất thế kỷ theo bình chọn của FIFA.
Ngày 30/10 vừa qua, Maradona kỷ niệm sinh nhật thứ 50 với hàng loạt cái tít về việc ông... hành hung bạn gái. Lời thú nhận của Nasser cũng vì thế đã gỡ gạc lại phần nào. Chỉ một hồi còi của Nasser 28 năm trước ở một trong hai pha bóng kinh điển năm 1986, có lẽ Diego đã không có ngày được lên báo bây giờ.
Diego Maradona: Kỷ lục gia World Cup Sau khi World Cup 1986 kết thúc, rất nhiều mặt báo đã nhận định rằng chiến thắng của Argentina gần như do một tay Diego Maradona xây dựng. Điều này không quá sai lầm. Trong chiếc áo số 10 cùng băng đội trưởng, cựu cầu thủ của Barcelona đã làm nên những điều kỳ diệu nhất cho tập thể bằng màn trình diễn cá nhân kinh điển suốt giải đấu. Tổng cộng, Maradona đã thực hiện 90 lần qua người tại World Cup 1986 – nhiều hơn cầu thủ đúng thứ hai... gần ba lần. Ông cũng bị phạm lỗi 53 lần, nhiều gấp đôi bất kỳ cầu thủ nào khác. Điều quan trọng nhất là “số 10” Diego đã tham gia trực tiếp vào hơn một nửa số lần dứt điểm của các cầu thủ áo xanh-trắng với kết quả là góp công (ghi bàn hoặc kiến tạo) trong 10/14 bàn của tập thể. Đó là những con số kỷ lục của một cầu thủ trong một kỳ World Cup. |
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần