Dịch giả kì cựu Trần Thiện Đạo qua đời
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/11/2017, giờ Việt Nam, dịch giả kì cựu Trần Thiện Đạo đã qua đời tại Pháp, thọ 85 tuổi. Ông sinh năm 1933 tại Việt Nam, còn có bút danh khác là Trần Mai Lan, từ năm 1950 định cư tại Pháp, sống bằng nghề dạy học.
Từ trước năm 1975, Trần Thiện Đạo đã xuất bản khoảng 10 tác phẩm, gồm tiểu luận, phê bình, dịch thuật. Tên tuổi ông gắn liền với bán nguyệt Văn, phát hành tại Sài Gòn từ năm 1964 đến năm 1975, với hàng trăm dịch phẩm.
Sau năm 1975, nhiều tác phẩm, dịch phẩm cũ và mới của ông được xuất bản như Cậu hoàng con (Saint-Exupéry), Sa đọa, Giao cảm, Bề trái và bề mặt (Albert Camus), Kín cửa (Jean-Paul Sartre), Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc (cảo luận), Cửa sổ văn chương thế giới (tiểu luận, phê bình), Văn nghệ - Những nụ cười giòn, Cái tật khôn chừa, Phấn đấu cho một nền tiểu thuyết mới (Alain Robbe-Grillet), Im lặng của biển cả (Vercors), Zadig (Voltaire), Ao quỷ (George Sand)…
Tuy ở bên Pháp, nhưng ông luôn dõi theo và sát cánh cùng với đời sống văn học, báo chí tại Việt Nam. Ông liên tục gởi bài, gởi bản dịch về in cho tới khi qua đời. Có thể nói ông đã có hơn 60 cầm bút và dịch thuật liên tục.
Ông là người say mê với những công việc thuộc về văn học. Có lần ông đã khước từ cơ hội trở thành một cán bộ cao cấp về ngành bảo hiểm để tận tâm với việc dịch và viết văn.
Ông được giới dịch giả đánh giá là người nghiêm cẩn đến cực đoan. Ông quan niệm: “Thật vậy, khi bắt tay vào việc, dịch giả cần gột bỏ mọi đặc tính và tư thái của mình - vẫn biết đây là một động tác chẳng dễ dàng chút nào. Hầu dành cả nội lực cho việc nhập vào thần trí và tâm trí của tác giả: ngoài chỗ bản dịch phải xuất hiện như một tác phẩm viết thẳng bằng tiếng Việt, dịch giả đồng thời còn phải tôn trọng bút pháp và văn phong của tác giả, thể loại và nhịp điệu của tác phẩm - tôn trọng ngay cả những chỗ sai sót, thiếu mạch lạc, quá dở”.
“Đâu phải nhà văn nào, tuyệt tác nào cũng tránh khỏi loại khuyết điểm vừa kể - trường hợp Milan Kundera và Cao Hành Kiện trên văn đàn Pháp nhắc tới trên đây chứng minh cho nhận xét này. Giá thử trong tác phẩm phiên dịch hàm chứa câu văn nào nặng nề, lời phát biểu nào cuồng bạo, nét tâm lí nào thô thiển, luồng tư tưởng nào đồi truỵ, kết nối chuyển biến nào lủng ca lủng củng… thì dịch giả cũng phải nặng nề, cuồng bạo, thô thiển, đồi truỵ, lủng ca lủng củng… và nghiễm nhiên phủ nhận chữ nhã trong phương cách dịch thuật tín - đạt - nhã cổ truyền.
Giống như diễn viên thâm nhập vào vai nhân vật, qua mỗi dịch phẩm thực hiện, dịch giả đương nhiên biến mình thành kẻ phát ngôn cho tác giả. Một cách khiêm nhường”.
Ngoài dịch, ông còn viết rất nhiều bài phê bình về việc dịch các tác phẩm tiếng Pháp sang tiếng Việt. Theo ông: “Bởi vì nếu chúng ta thường xuyên làm tròn sứ mạng của nhà phê bình, thì nói riêng về ngành dịch thuật, chắc đã không thể có mặt trên thị trường chữ nghĩa xứ này, loại sách dịch cẩu thả và sai bét”.
Với các cây bút trẻ, trong một bài phỏng vấn, Trần Thiện Đạo chia sẻ: “Hãy viết thật cô đọng, súc tích. Về sự cô đọng, tôi xin dẫn chứng qua kinh nghiệm của mình. Khi còn dạy học, tôi thường cho sinh viên viết một bài văn theo một chủ đề cụ thể với số lượng từ rất hạn chế. Đây cũng là việc rất khoa học. Khi nói trước đám đông, bạn càng nói cô đọng thì càng tốt. Sẽ có một số người tiếp thu được 30 đến 40%, số còn lại chỉ tiếp thu được từ 20 xuống còn 1%. Còn nói dài, hiệu quả càng thấp. Thậm chí người ta chán tức thì, đến mức không muốn nghe bạn nói nữa. Và sau nữa: Hãy trung thực và hết lòng, nhưng đừng ảo vọng về mình”.
Bảo Bình