Dịch Covid-19 thế giới sáng 3/10: Mỹ ghi nhận dấu mốc đáng buồn
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 3/10, thế giới đã ghi nhận 235.417.004 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.811.563 ca tử vong.
Số người bình phục là 212.226.720 người, song hiện vẫn còn 87.544 ca bệnh nặng.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 44.490.897 và 719.674. Trong bối cảnh số ca tử vong do mắc COVID-19 vượt 700.000 người, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tổng thống Biden khẳng định người Mỹ sẽ nhớ tới cột mốc đau thương khi 700.000 người Mỹ đã không qua khỏi do COVID-19 và sẽ tưởng nhớ mỗi ngày những người đã mất vì đại dịch, tuy nhiên Mỹ sẽ không bị tê liệt vì nỗi buồn.
Theo Tổng thống Biden, các loại vaccine hiện nay đều an toàn, miễn phí và có thể tiếp cận dễ dàng và Mỹ đã đạt được tiến bộ phi thường trong cuộc chiến chống lại COVID-19 trong 8 tháng qua nhờ vaccine.
Mỹ ghi nhận dấu mốc đáng buồn trên trong bối cảnh vẫn đang tiếp tục vật lộn với làn sóng lây nhiễm mới COVID-19 do biến thể Delta nguy hiểm có khả năng lây lan cao. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tính tới nay gần 65% tổng dân số Mỹ đã nhận được ít nhất một mũi vaccine và gần 56% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Biến thể Delta cũng đã khiến Chile ghi nhận hơn 800 ca nhiễm mới ngày thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 853 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.655.884 và 37.484. Sau vài tuần số ca nhiễm mới ở mức dưới 500 ca/ngày, trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ở quốc gia châu Mỹ này đã gia tăng. Ngày 30/9, Chile đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được áp dụng trong suốt 19 tháng để phòng, chống dịch bệnh.
- Dịch Covid-19: Số ca tử vong tại Mỹ vượt 700.000 người
- Mỹ vẫn là Quốc gia tổn thất nặng nhất do Covid-19 với 718.986 người chết
- Nghiên cứu công nghệ mRNA tạo ra vaccine Covid-19 là ứng viên sáng giá cho giải Nobel
Trong khi đó, cho dù số ca mắc mới tại Đức ở mức thấp trong vài tuần qua, song Viện nghiên cứu Robert Koch (RKI) dự báo thời gian lắng dịu dịch COVID-19 có thể sớm thay đổi vào mùa Thu và mùa Đông năm nay. Báo cáo hàng tuần của cơ quan y tế cộng đồng Đức cho biết thời kỳ lắng dịu của đại dịch sẽ nhanh chóng qua đi trong tương lai gần mặc dù gần 2/3 dân số và 3/4 người trưởng thành ở Đức đã được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ.
RKI cho biết một số lượng lớn người vẫn chưa tiêm chủng và sự gia tăng các hoạt động giao lưu trong nhà có thể làm gia tăng số ca mắc mới trở lại, đặc biệt khi thời tiết đang chuyển sang mùa Thu, Đông, ẩm ướt và lạnh hơn. Giới chức y tế đã đặt câu hỏi liệu Đức có đủ sức phá vỡ làn sóng thứ tư sắp xảy ra hay không bởi xu hướng giảm đã có dấu hiệu đảo ngược trong vài ngày qua.
Hiện tại, tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong 7 ngày qua là 64,3/100.000 người trên toàn quốc, tăng nhẹ so với tỷ lệ 63/100.000 người vào ngày 30/9 và 62,5/100.000 người vào tuần trước đó nữa. Đáng lưu ý, báo cáo mới nhất cho thấy virus SARS-CoV-2 sẽ đặc biệt tấn công trẻ trong độ tuổi đến trường và thanh thiếu niên đến 19 tuổi, phần lớn trong nhóm này chưa được tiêm chủng.
Đánh giá trên của RKI cũng tương tự với nhận định gần đây của Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (ECDC) của Liên minh châu Âu (EU) về tình trạng tồi tệ hơn của dịch bệnh ở châu Âu vào mùa Thu này do tỷ lệ tiêm chủng không đủ.
Để khống chế sự lây lan của làn sóng COVID-19, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố sẽ dần thay thế biện pháp phong tỏa bằng các biện pháp hạn chế linh hoạt. Theo trang web của Văn phòng Tổng thống Iran, ông Raisi kêu gọi phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục nhằm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh trên 12 tuổi. Nhà lãnh đạo Iran cho rằng "việc thiếu quan tâm tới vấn đề vệ sinh trong cuộc chiến chống COVID-19 là hết sức nguy hiểm và các quy định y tế vẫn cần được giám sát thực thi chặt chẽ".
Tổng thống Raisi nhấn mạnh không nên quan niệm sai lầm rằng tiêm vaccine có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân. Đến nay, Iran đã có hơn 5,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 120.000 trường hợp tử vong và hơn 5 triệu người đã bình phục. Iran hiện có hơn 415.000 bệnh nhân COVID-19 và tình hình lây nhiễm có xu hướng giảm dần trong tuần qua.
Liên quan đến vấn đề vaccine, phát biểu tại buổi họp báo trong chương trình làm việc tại Geneva (Thuỵ Sĩ), Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết tất cả những vướng mắc cản trở việc đăng ký vaccine Sputnik V phòng COVID-19 tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã được gỡ bỏ.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cũng xác nhận đã thảo luận với ông Murashko về quy trình đăng ký vaccine Sputnik V vào danh mục các loại thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng trong trường hợp khẩn cấp phòng chống COVID-19. Hồi tháng 7, WHO cho biết đánh giá của họ về cách Nga sản xuất vaccine Sputnik V đã phát hiện ra một số vấn đề trong khâu đóng lọ tại một nhà máy. Nhà sản xuất cho biết kể từ đó họ đã giải quyết tất cả các mối quan ngại của WHO.
Ngọc Hà - TTXVN