Dịch Covid-19: Thành phố Hồ Chí Minh lên phương án ứng phó khi số ca mắc mới tăng
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/2, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin, thành phố đã chuẩn bị phương án ứng phó trong trường hợp số lượng ca mắc COVID-19 trên địa bàn tăng cao.
Cụ thể, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có các cơ sở điều trị COVID-19 gồm: Bệnh viện Dã chiến Củ Chi với 300 giường bệnh, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ 300 giường, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với khả năng tiếp nhận 40 ca bệnh, Bệnh viện Nhi đồng với khu điều trị riêng biệt có sức chứa 50 giường… Tổng cộng, thành phố có 840 giường bệnh thường, 30 giường hồi sức, 10 máy thở chức năng cao, 10 máy thở xâm nhập và không xâm nhập, 10 máy thở xách tay, 5 máy lọc máu liên tục, 5 hệ thống ECMO….
Ngoài ra, Sở Y tế cũng chuẩn bị phương án dự phòng khác đó là Bệnh viện Ung bướu Cơ sở 2 tại thành phố Thủ Đức với nhiều trang thiết bị hiện đại có sẵn, chưa đưa vào sử dụng. “Chúng tôi đã sẵn sàng mọi phương án tiếp nhận điều trị khi thành phố có từ 50 -100 ca mắc cùng với đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị bảo hộ nhằm điều trị tốt cho tất cả bệnh nhân”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định.
Trong khi đó, về năng lực các khu cách ly tập trung, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có 3 loại khu cách ly tập trung gồm hai khu cách ly của quân đội với 940 giường, các khu cách ly tập trung của quận, huyện với 1.339 giường và 2.591 giường tại các khách sạn được sử dụng làm khu cách ly tập trung có thu phí. Tổng cộng, toàn Thành phố có 3.870 giường phục vụ cách ly tập trung.
- Dịch Covid-19: Toàn bộ 1.800 mẫu xét nghiệm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Quân y 175 Thành phố Hồ Chí Minh âm tính
- Vì sao ổ dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh rất phức tạp?
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, hiện nay các khu cách ly tập trung của Thành phố đã đầy do trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, số lượng người phải cách ly tập trung ngày một tăng. Ngoài ra, thành phố cũng đang thực hiện cách ly tập trung đối với những người về từ các vùng dịch như Sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) với số lượng tương đối lớn.
Ông Dũng cho biết thêm, trước đây văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế yêu cầu thực hiện cách ly tập trung 21 ngày đối với người về từ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương), còn với những người từ các ổ dịch khác trở về thì có thể áp dụng cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, với diễn biến mới của dịch bệnh, thành phố thực hiện cách ly đủ 21 ngày cho tất cả những người đi qua các ổ dịch.
“Hiện các khu cách ly đang quá tải, trong khi đó rất nhiều người không phải về từ thành phố Chí Linh và đã được cách ly đủ 14 ngày, chúng tôi đang xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về việc “giải phóng” sớm những người này để các khu cách ly có thể tiếp nhận thêm những người thuộc diện cách ly khác”, ông Nguyễn Trí Dũng cho hay.
Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng mở một số điểm cách ly khác như Khu cách ly Cần Giờ, Học viện Chính trị khu vực II tại Quận 9, Ký túc xá Đại học Quốc gia… với sức chứa có thể lên đến hơn 20.000 chỗ.
Ngoài nguồn lực của Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế huy động sự hỗ trợ từ các đơn vị trực thuộc Bộ đóng trên địa bàn thành phố trong công tác xét nghiệm, điều trị COVID-19.
Bên cạnh đó, thành phố cũng dự trữ đầy đủ các sinh phẩm, kit xét nghiệm, đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu đơn trong 24 giờ, nếu thực hiện mẫu gộp 5 thì có thể nâng công suất lên 120.000 – 150.000 mẫu/ngày. Cơ quan chức năng của thành phố cũng tập huấn và xây dựng lực lượng lấy mẫu ở tất cả bệnh viện công lập (5 đội ở mỗi bệnh viện) và Trung tâm Y tế (3 đội ở mỗi trung tâm), đảm bảo công suất lấy được 100.000 mẫu/ngày./.
Đinh Hằng (TTXVN)