Dịch Covid-19: EU hạ thấp nguy cơ bùng phát biến thể mới từ Trung Quốc
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 29/12, Ủy ban châu Âu đánh giá biến thể Omicron BF.7 phổ biến ở Trung Quốc đã lưu hành ở châu Âu và mối đe dọa của biến thể gây bệnh COVID-19 này không tăng đáng kể.
Liên minh châu Âu (EU) đang đánh giá việc Trung Quốc bãi bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sau khi Italy áp đặt quy định bắt buộc xét nghiệm COVID-19 đối với tất các hành khách đến từ Trung Quốc.
Giới chức y tế EU cam kết sẽ tiếp tục đàm phán tìm kiếm một cách tiếp cận chung đối với các quy tắc đi lại. Trong khi đó, giới chuyên gia châu Âu nhận định không có lý do để tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại Thượng viện Italy ngày 29/12, Bộ trưởng Y tế nước này Orazio Schillaci thông báo giải trình tự gene cho thấy các biến thể được phát hiện ở những du khách đến từ Trung Quốc đã lưu hành ở châu Âu trước đó, như vậy phần nào giảm bớt lo ngại rằng một biến thể mới từ Trung Quốc có thể bắt đầu hoành hành ở châu Âu.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế Đức Sebastian Guelde cho biết: “Không có dấu hiệu nào cho thấy một biến thể nguy hiểm hơn đã phát triển trong đợt bùng phát này tại Trung Quốc”.
Giáo sư Brigitte Autran, một chuyên gia về vaccine của Bộ Y tế Pháp, cho rằng ở cấp độ khoa học, không có lý do gì để áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới cụ thể trong giai đoạn này.
Mặc dù các chuyên gia về virus của EU đã hạ thấp mức độ nguy hiểm trước mắt, nhưng Italy vẫn áp dụng quy định xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với tất cả hành khách đi máy bay đến từ Trung Quốc. Hơn 50% số người được sàng lọc khi đến sân bay Malpensa của Milan trong những ngày gần đây đã cho kết quả dương tính. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 29/12 đã hối thúc EU áp dụng biện pháp tương tự. Bà Meloni cho rằng việc yêu cầu xét nghiệm COVID đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc chỉ có hiệu quả nếu được thực hiện ở cấp độ châu Âu, lưu ý rằng nhiều người đến Italy trên các chuyến bay nối chuyến qua các quốc gia châu Âu khác.
Sau cuộc họp ngày 29/12, Ủy ban An ninh Y tế của EU tuyên bố các nước EU cần phải hành động cùng nhau và sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận. Một cách tiếp cận phối hợp của EU là cần thiết vì hầu hết các quốc gia thành viên của khối đều tham gia khu vực tự do đi lại Schengen. Sau những biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt thời kỳ đỉnh dịch, EU đã mở cửa biên giới. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên nhất trí có thể kích hoạt chế độ “phanh khẩn cấp” trong thời gian ngắn để ứng phó thách thức bất ngờ.
Liên quan dịch bệnh tại Trung Quốc, ngày 30/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng để có thể đánh giá toàn diện nguy cơ dịch bệnh cần có thêm những thông tin cụ thể.
Ông Ghebreyesus kêu gọi Trung Quốc theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh cũng như tiêm vaccine cho nhóm có nguy cơ cao.
Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cho biết nước này đang theo dõi sát sao các đột biến của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và tích cực phối hợp với các nỗ lực toàn cầu trong vấn đề này. Phát biểu tại một cuộc họp của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, người đứng đầu nhóm chuyên gia ứng phó với dịch COVID-19 thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia, ông Liang Wannian nêu rõ nước này sẽ báo cáo cho WHO ngay khi phát hiện các đột biến mới hoặc sự thay đổi về nguy cơ lây nhiễm và độc lực của virus đột biến.
Theo ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, Omicron vẫn là biến thể lây lan chủ yếu tại Trung Quốc, trong đó 9 biến thể phụ xâm nhập từ nước ngoài. Viện Quốc gia về Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh do virus thuộc CDC đã tham gia phân tích, giải trình tự gene và báo cáo các biến thể của virus, đồng thời gửi kết quả giải trình tự gene lên nền tảng có liên quan của WHO.