Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 7): 'Manhua' - đâu rồi những 'Tam Mao, 'Chú Thoòng'?
(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà nghiên cứu truyện tranh hiện nay đã xác nhận “manhua” là một khái niệm tương đối rộng: vừa để chỉ truyện tranh nói chung, lại vừa chỉ cả truyện tranh Trung Quốc đại lục, truyện tranh Hong Kong (Trung Quốc) và truyện tranh Đài Loan (Trung Quốc). Vậy, số phận của manhua đã giao thoa và biến chuyển như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi.
Nhắc đến manhua, nhiều người sẽ mường tượng đến những bộ truyện kiếm hiệp nổi danh một thời như Tam Mao, Chú Thoòng, Người trong giang hồ, Phong Vân... và phần nào nghĩ rằng với nội dung đặc sắc như thế, chắc hẳn manhua cũng lừng lẫy và được xem trọng. Nhưng không hẳn vậy. Trong kỳ tìm hiểu truyện tranh này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại số phận thăng trầm của manhua.
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 3): Mỹ - 'cái nôi' của nền công nghiệp truyện tranh thế giới
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 2): Cuộc sống hiện đại - Muôn màu truyện tranh
- Đi vào thế giới truyện tranh (kỳ 1): Từ buổi đầu truyện tranh ở Việt Nam
“Năng thần” thời loạn...
Không giống với truyện tranh Hàn Quốc chịu tác động của manga Nhật Bản, truyện tranh Trung Quốc ngay từ ban đầu đã có chung nguồn ảnh hưởng với manga. Những họa sĩ biếm họa của tạp chí châm biếm Anh quốc Punch đã đến đảo Hong Kong (Trung Quốc) và thành lập The China Punch vào năm 1867, dần dần thiết lập kỷ nguyên văn hóa châm biếm tại đây. Thực hiện đúng tôn chỉ của Punch, The China Punch cũng đăng tải những bài châm biếm chính trị, đả phá giới cầm quyền và giới trọc phú tại Hong Kong.
Đến năm 1899, tác phẩm truyện tranh châm biếm đầu tiên được sáng tác bởi người mang quốc tịch Trung Quốc với tên gọi Tình cảnh ở Viễn Đông (The Situation In The Far East) được xuất bản tại Nhật Bản. Tác giả Tạ Toản Thái viết truyện để cảnh báo những người yêu nước chống lại tham vọng của các cường quốc phương Tây nhằm chia cắt Trung Quốc lúc bấy giờ.
Nhận thấy tiềm năng của các khung tranh “biết nói”, Tôn Trung Sơn đã sử dụng hình thức truyện tranh này để tuyên truyền chống lại quân Thanh trên báo chí và các tờ truyền đơn. Một số tác phẩm phản chiếu thời kỳ đầu của cuộc tuyên truyền đấu tranh chính trị này là The True Record và Renjian Pictorial.
Cùng với sự phát triển của kỹ thuật in ấn, những năm 1920 ghi nhận hình thức truyện tranh liên hoàn họa tại Trung Quốc. Trong đó, những khung tranh kèm lời dẫn truyện được in ra và đóng lại thành những tập sách nhỏ. Câu chuyện mà các tác giả liên hoàn họa hướng đến thường là những câu chuyện thần thoại, truyện dân gian Trung Quốc, điển hình có thể kể đến các tác phẩm liên hoàn họa truyện Tam Quốc diễn nghĩa, truyện Thủy Hử...
Như vậy, có thể thấy, truyện tranh Trung Quốc không chỉ là công cụ tuyên truyền chính trị của quân cách mạng, mà còn là phương tiện mới để người Trung Quốc lan tỏa câu chuyện văn hóa của chính dân tộc mình. Những tác phẩm kinh điển như Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Hồng lâu mộng, Tây du ký… đều được các họa sĩ liên hoàn họa đưa vào thử nghiệm hình thức truyện tranh này.
Thành công mang tính xã hội của tranh tuyên truyền và liên hoàn họa đã dẫn đến sự ra đời của tạp chí Shanghai Manhua (Mạn họa Thượng Hải) vào năm 1928. Và trong suốt thời gian từ 1934 đến 1937, có khoảng 17 tạp chí manhua đã được xuất bản tại Thượng Hải.
Trong chiến tranh chống Nhật Bản năm 1937, nhiều họa sĩ truyện tranh Trung Quốc đã trốn khỏi Thượng Hải và các thành phố lớn khác. Họ tiến hành cuộc chiến tranh “truyện tranh du kích” để chống lại quân Nhật Bản bằng cách tổ chức các cuộc triển lãm tranh tuyên truyền và xuất bản các tạp chí hoạt hình ở các thành phố nội địa. Hình thức tranh truyện tuyên truyền này này một lần nữa được đưa vào sử dụng khi chiến tranh Trung - Nhật lần thứ hai bùng nổ. Để ngăn chặn tuyên truyền, khi quân Nhật chiếm được đảo Hong Kong vào năm 1941, mọi hoạt động của manhua đã bị buộc dừng lại.
Suốt thời kỳ những năm 1930, bộ truyện tranh nổi tiếng nhất có thể kể đến là Tam Mao của tác giả Trương Lạc Bình. Bộ truyện kể về hành trình tìm mẹ của chú bé Tam Mao ở thành phố Thượng Hải vào chính những năm 1930. Tam Mao sống trong thời kỳ đen tối, khổ sở nhất của Trung Quốc khi trên đất nước có nhiều vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh: chiến tranh, lạm phát, nghèo đói... Dù xã hội rối ren, nhưng đây lại là thời kỳ truyện tranh được đón đọc và tôn trọng nhất.
Đến khi hòa bình được lập lại tại Trung Quốc, truyện tranh cũng có những bước tiến nhất định, nhưng vị thế lại không hề được như trước đây.
Từ “Chú Thoòng” đến hơi hướng võ hiệp
Kể từ những năm 1950, thị trường manhua của lãnh thổ Hong Kong tách biệt với thị trường tại Trung Quốc đại lục. Trong khi tại Trung Quốc đại lục, manhua không còn nhiều ấn tượng và bị hạn chế thì tại lãnh thổ Hong Kong, thời đại mới đã mở ra.
Những năm sau chiến tranh, manhua lại phải đối diện với sự lớn mạnh của manga (truyện tranh Nhật Bản). Trong khi các tác giả Nhật Bản đã tìm được nhiều hướng đi hơn cho nội dung tác phẩm của họ, thì các tác giả manhua vẫn loay hoay với những khung truyện hài hước, gây cười. Dù vậy, bộ truyện Chú Thoòng (Old Master Q, 1962-1964) vẫn được đánh giá cao, bởi không dừng lại ở những châm biếm hiện thực đã quá quen thuộc, tác giả Vương Trạch đã khắc họa được nhiều nhân vật trong nhiều thế giới khác nhau, từ nhân viên văn phòng đến chiến binh cổ đại, và cho phép khám phá nhiều tình huống truyện khác nhau.
Manhua sau đó cũng bước vào thời kỳ mới với những tác phẩm truyện tranh mang nhiều hơi hướng bạo lực dành cho nam giới tuổi trưởng thành. Với sự nổi lên của phim võ thuật Hong Kong vào những năm 1970, các tác giả truyện tranh cũng dần thay đổi hướng đi, đưa kungfu và các yếu tố võ hiệp vào tác phẩm của mình. Đông phương anh hùng (Heroes Oriental) của Huỳnh Chấn Long là tác phẩm đi đầu trong lĩnh vực này.
Đến những năm 1980, Mã Vinh Thành cho ra mắt tác phẩm Trung Hoa anh hùng (Chinese Hero: Tales Of The Blood Sword), đánh dấu thời kỳ mới của manhua. Vẫn là nội dung võ hiệp nhiều bạo lực, song nét vẽ đã có sự thay đổi theo lối tả chân theo trường phái Gekiga của các họa sĩ Nhật Bản. Cũng từ đây, hàng loạt tác phẩm manhua võ hiệp tràn ngập trên thị trường như Phong Vân, Hắc Báo liệt truyện, Thần võ kỷ... Những bộ truyện trên vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày nay. Sự bùng nổ của thị trường truyện tranh võ hiệp đã khiến cho suốt một thời gian dài, cứ nhắc đến manhua là người đọc sẽ nghĩ ngay đến truyện tranh võ hiệp.
Chỉ còn là giải trí đơn thuần
Quay lại với Trung Quốc đại lục, mặc dù người Trung Quốc tiêu dùng một số lượng lớn truyện tranh, nhưng chưa bao giờ truyện tranh được coi là một tác phẩm nghệ thuật chân chính mà chỉ là một hình thức mô phỏng lại phim ảnh. Cùng với tình trạng chặt chẽ thái quá trong khâu xuất bản cũng khiến các họa sĩ truyện tranh gặp nhiều khó khăn trong quá trình sáng tác và tiếp cận đối tượng độc giả tiềm năng mong muốn.
Chính vì vậy, vào cuối những năm 2000, nhiều họa sĩ truyện tranh đã quyết định tự đăng tải tác phẩm của mình trên mạng, thay vì cố gắng xuất bản sách giấy. Như vậy, nhắc đến manhua ở Trung Quốc là nhắc đến các bộ truyện được đăng tải trên website như Douban và Sina Weibo, cũng là nhắc đến việc các tác giả truyện tranh Trung Quốc phần lớn là những người trẻ tuổi đang tìm cách đến gần hơn với thế giới truyện tranh.
Từ năm 2000 đến nay, manhua dù bị hạn chế, nhưng về cơ bản vẫn có được thành tựu nhất định. Có không ít những tác phẩm manhua chất lượng, đáng đọc được xuất bản. Tiêu biểu có thể kể đến Hỏa phụng liêu nguyên của Trần Mưu, Trường An huyễn dạ của Diện Đường Huynh - Hàn Lộ - Miên Thang Hùng, Phong thần Reload của Quách Kính Minh - Hồng Lân, Trường ca hành, Tử bất ngữ của Hạ Đạt...
Điểm qua về lịch sử phát triển của manhua, có thể nhận thấy vào thời loạn lạc, manhua được “trọng dụng”; nhưng sang thời bình, manhua lại bị hạn chế bởi chính khả năng lan tỏa nội dung rộng rãi của nó. Khả năng phản ánh hiện thực, khả năng châm biếm hài hước, khả năng quảng bá ý tưởng mới... tất cả những khả năng đó đã khiến manhua rơi vào tình thế “điểu tận cung tàng”, có tiềm năng đấy, mà tiến không được, thoái cũng chẳng xong.
Chất lượng truyện tranh trên các webcomics Trung Quốc đại lục cũng không mang nhiều giá trị, chỉ phù hợp để giải trí đơn thuần. Trái lại, thị trường manhua ở lãnh thổ Đài Loan hay Hong Kong lại có được ấn tượng mạnh mẽ đối với độc giả trong suốt thời gian từ những năm 1980 đến nay.
Rõ ràng, với lịch sử và tiềm năng phát triển như vậy, manhua có thể vươn tới những chân trời xa hơn, và độc giả cũng có quyền hy vọng và chờ đợi những đột phá của manhua vào một ngày không xa.
Manhua xứ Đài: giả tưởng, cổ trang, học đường Suốt quãng thời gian từ 2000 đến 2010, ở Việt Nam cũng du nhập cả manhua xứ Đài Loan (Trung Quốc), mà NXB Trẻ đi đầu trong việc giới thiệu manhua này. Các tác phẩm nổi bật thời kỳ đó có thể kể đến Tiên khúc của I Huan, Tuổi trẻ cuồng nhiệt của Nicky Lee, Công chúa bướng bỉnh của Lai Ann, Malisa của Malisa Lin... Một điểm chung của những manhua này là ít động chạm đến các vấn đề chính trị đương đại, chủ yếu đi sâu vào những nội dung giả tưởng, cổ trang, hoặc kể lại những câu chuyện tình cảm học đường hoặc đưa ra những góc nhìn mới mà giới trẻ quan tâm. Trên thực tế, không có nhiều sự khác biệt về nét vẽ giữa manhua và manga, song các nội dung của manhua lại không đa dạng, phong phú, thậm chí là nhạy cảm như manga. |
Nguyễn Hoàng Dương
(còn nữa)