Đi tìm... chân dung vua Hùng
(Thethaovanhoa.vn) - Việc xây dựng quy hoạch hệ thống tượng đài (và tượng ngoài trời) Quốc tổ Hùng Vương đang được ngành văn hóa đưa ra lấy ý kiến. Và, bên cạnh những vấn đề về số lượng, vị trí, quy mô...của hệ thống này, một câu hỏi đang được những người trong cuộc đưa ra: vua Hùng sẽ có diện mạo thế nào khi dựng thành tượng?
- Quy hoạch tượng đài Hùng Vương: Cẩn trọng để tránh 'cơn sốt' tượng đài
- Giỗ Tổ Hùng Vương 2018: Lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên
- Giổ tổ Hùng Vương 2017: Triệu tấm lòng một dạ tri ân
Hỏi vậy, bởi như nhận định từ chính đề án này, vua Hùng là một nhân vật huyền sử, tồn tại cách đây hàng ngàn năm, không hề có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh hoặc có yếu tố tạo hình. Thực tế, những dữ liệu lịch sử, văn hóa về Quốc tổ của người Việt, thậm chí là về trang phục truyền thống trong giai đoạn này, cũng rất mơ hồ và chung chung.
Tất nhiên, khi thiếu vắng dữ liệu thực tế, những bức tượng Quốc tổ Hùng Vương đã dựng tại Việt Nam phải bù đắp bằng khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Và như thế, họ đã phải mang một gánh nặng quá lớn trên vai:Dựng lại chân dung một nhân vật mang tầm dân tộc - Quốc tổ của chính mình - chủ yếu bằng trí tưởng tượng cả về hình hài, tướng mạo, mũ áo, trang phục, phụ kiện của hàng ngàn năm trước.
Bởi thế, cũng dễ hiểu, khi nhìn vào những tượng vua Hùng từng có ở Pleiku, TP.HCM (hoặc được đề xuất dựng tại chính đền Hùng - Phú Thọ), chúng ta sẽ thấy không tượng nào... giống tượng nào.
Thậm chí, cũng vì sự mơ hồ cộng cùng trí tưởng tượng, nhiều bức tượng trong số đó đã nhận về những phản biện - mà cả tác giả lẫn người nhận xét cũng đều có rất ít dữ liệu để cùng tham chiếu. Đơn cử, trong cuộc thi các mẫu phác thảo tượng đài Hùng Vương ở Phú Thọ, đã có ý kiến rằng các phác thảo đều không chuẩn, bởi nếu chiếu theo nghiên cứu nhân chủng học thì chắc chắn người Việt ở vào giai đoạn đó phải có nước da đen hơn hiện tại rất nhiều.
***
Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả câu chuyện.
Nói về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ rất thật, rằng khi tiếp xúc với độc giả, ông thường gặp một câu hỏi khó trả lời: "Vua Hùng hay được nhắc tới là ai? Là ông thứ mấy, trong số 18 vua Hùng? Giỗ tổ vào ngày 10/3 Âm lịch là giỗ vị nào?".
Thực tế, dù các ngọc phả dân gian có ghi về 18 vua Hùng trị vì nước Văn Lang trong thời gian (được quy đổi) 2.622 năm, các nhà nghiên cứu cũng đều đã tạm đồng ý rằng con số 18 vị vua ở đây chỉ mang tính ước lệ.
Đó có thể là 18 nhánh vua Hùng khác nhau (nghĩa là hàng trăm vị vua) và thậm chí, cũng có thể chỉ là một con số biểu trưng cho việc có rất nhiều đời vua Hùng (18 là bội số của số 9, một con số thiêng với người Việt). Và, khái niệm "vua Hùng" được nhắc tới cũng mang tính biểu trưng như thế.
Để rồi, như phân tích của các chuyên gia, việc dựng tượng đài một Quốc tổ cụ thể, với đầy đủ diện mạo, trang phục, phong thái... chính là việc cá thể hóa một biểu trưng như vậy.
Đó có thể là nguyện vọng chính đáng, khi rất nhiều người muốn có một tượng đài Quốc tổ để chiêm bái trong chuyến hành hương của mình. Nhưng, ở góc độ khác, với nguy cơ lớn về những sai số kèm theo, đó cũng có thể là nguồn cơn để tạo ra những tranh luận, và mâu thuẫn không đáng có.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc dựng tượng những nhân vật của huyền sử, thậm chí là những nhân vật không có thật, là điều đã được thực hiện ở nhiều quốc gia - mà những bức tượng về các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp là điển hình. Nhưng, những tác phẩm ấy đều đã được cộng đồng chọn lọc qua thời gian, và tới lúc mặc nhiên được công nhận ở một dáng hình, một diện mạo cụ thể.
Bởi thế, rõ ràng, việc dựng tượng Quốc tổ của người Việt không thể vội vã - hoặc ít nhất là không thể "nhân bản" tràn lan, cho tới khi sự chấp nhận dần được tích tụ ở cộng đồng.
Theo gợi ý của GS Ngô Đức Thịnh vài năm trước, tượng Quốc tổ chỉ nên được biểu trưng hóa dưới hình dạng của một cặp bánh chưng bánh dày vừa gắn với truyền thuyết xưa, vừa hợp với triết lý âm dương trời tròn - đất vuông của người Việt cổ. Gợi ý ấy không hẳn là vô lý...
Cúc Đường