'Di sản thế giới' - cái đích của danh xưng
(Thethaovanhoa.vn) - Với quyết định của UNESCO vào tuần qua, chúng ta đã sở hữu tới 12 Di sản Văn hóa phi vật thể ở cấp Thế giới, kể từ năm 2003.
- Chấm dứt tình trạng 'cần bảo vệ khẩn cấp', Hát Xoan thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện
- VIDEO: Hát Xoan và Bài Chòi được xem xét là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Vì sao Việt Nam có thể cùng nhận 2 danh hiệu Di sản từ UNESCO cho Hát Xoan và Bài Chòi?
Đặc biệt, dù có 12 danh hiệu nhưng Việt Nam lại có dịp ăn mừng tới...13 lần. Bởi, năm 2011, Hát Xoan Phú Thọ đã từng được UNESCO công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp", trước khi "chuyển danh sách" sang loại hình "đại diện của nhân loại" vào tháng 12 này.
Cần nhắc lại, kể từ khi đưa ra các danh hiệu này, UNESCO cũng chưa từng có tiền lệ về việc "chuyển danh sách" như vậy. Bởi thế, không có gì lạ, khi việc Hát Xoan Phú Thọ thoát khỏi tình trạng "cần bảo vệ khẩn cấp" đang được dư luận liên tục nhắc tới, trong tâm thế phấn khích và tự hào.
Thế nhưng, khi không còn "đính kèm" mấy chữ ấy, liệu việc "cần bảo vệ" có nên được coi như một ưu tiên hàng đầu với Di sản Văn hóa của tỉnh Phú Thọ?
Đặt ra câu hỏi ấy không phải để vặn vẹo. Bởi, song song với việc bảo vệ (đúng hơn, phải là bảo tồn), rất nhiều Di sản phi vật thể mà chúng ta sở hữu cũng vẫn được nhắc tới ở một góc độ khác: phát huy giá trị. Và, trong cách hiểu của rất nhiều địa phương, việc đầu tiên ở khâu "phát huy giá trị" ấy chính là đưa di sản tiếp cận và phục vụ du lịch.
Để rồi, rất nhiều lần, các chuyên gia văn hóa đã phải lên tiếng về việc các di sản ấy bị biến tướng một cách vô tình hay hữu ý, trước làn sóng du khách dồn về. Ở đó, những trình thức, làn điệu truyền thống của di sản được có thể được "cắt" bớt để phù hợp với thời gian thưởng lãm của du khách, thậm chí là được "gia giảm", thêm bớt các yếu tố khác cho hấp dẫn hơn.
Điển hình, trong truyền thống, nghệ nhân biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế, di sản phi vật thể đầu tiên phi vật thể được UNESCO công nhận, không hề có nữ. Vậy nhưng, nhiều nhà nghiên cứu đã từng bức xúc về việc khi biểu diễn cho du khách, loại hình này lại được có sự tham dự của các nhạc công nữ mặc áo dài, vấn khăn Nam Phương hoàng hậu cho "đẹp đội hình". Hoặc với Tín ngưỡng thờ Mẫu, di sản vừa được công nhận năm 2016, rất nhiều diễn xướng phục vụ du lịch cũng đã cố tình "lập lờ" giữa tín ngưỡng và sân khấu hóa, để rồi chế thêm vào đó các làn điệu khác.
Thậm chí, chính Hát Xoan Phú Thọ - loại hình âm nhạc mà thẳng thắn là không hề dễ nghe, dễ cảm đối với du khách thông thường – cũng một thời được nhắc đến với các làn điệu xoan mới, hoặc xoan... pha chèo. Và, để vượt qua những câu chuyện ấy, tỉnh Phú Thọ đã phải rất nỗ lực để sưu tập, tư liệu hóa và truyền dạy những làn điệu xoan cổ trong vòng 5 năm, trước khi đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO "chuyển danh sách".
***
Cần nhắc lại, theo quy định của UNESCO, khi một di sản được bảo tồn tốt và hết nguy cơ "biến mất" thì có thể được chuyển sang danh sách "đại diện của nhân loại". Nhưng ngược lại, trong trường hợp được bảo vệ không tốt, di sản "đại diện của nhân loại" sẽ bị chuyển sang trường hợp "có nguy cơ biến mất".
Đó là biện pháp chuyên môn để đảm bảo các quốc gia luôn có sự quan tâm đầy đủ với các di sản được vinh danh, thay vì "bỏ rơi" sau khi nhận danh hiệu.
Và, nếu chúng ta quên mất điều này, thì hãy nhớ rằng: Việt Nam vẫn còn một di sản đang thuộc loại "cần bảo vệ khẩn cấp" là ca trù. Và chắc chắn, với những gì đang diễn ra, việc tìm hướng để đưa loại hình nghệ thuật này ra khỏi tình trạng ấy sẽ còn phức tạp và nặng nề hơn Hát Xoan rất nhiều.
Cái đích của danh xưng "di sản thế giới", xét cho cùng, là nhu cầu đánh thức sự quan tâm để gìn giữ và bảo tồn của cộng đồng - chứ không thể dừng lại ở chuyện khai thác danh hiệu một cách tối đa để phục vụ du lịch và... thỏa mãn lòng tự hào.
Anh Bảo