Di sản phương Đông
Di sản phương Đông (Our Oriental Heritage, 1935) xuất bản lần này được dịch và phụ chú khá công phu của Huỳnh Ngọc Chiến (NXB Hồng Đức và Sách Thời Đại ấn hành, quý 1/2014).
Trong phần “Từ biệt Ấn Độ”, thuộc sách Di sản phương Đông, Will Durant viết: “Để đáp lại quá khứ bị xâm lăng, cướp bóc cùng thói hống hách vênh váo của phương Tây, có lẽ Ấn Độ sẽ dạy cho chúng ta bài học về sự khoan dung và lòng nhân hậu của một tâm trí già dặn; dạy cho chúng ta sự thanh thản của một tâm hồn không tham lam chiếm hữu, sự tĩnh lặng của một tinh thần thông tuệ, và tấm lòng yêu thương, đem bình yên an lạc đến tất cả chúng sinh”.
Vào năm 1971, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) cho biết lý do khi tiếp xúc với bộ The Story Of Civilization ông phải lựa quyển Di sản phương Đông đầu tiên. Bởi: “Thực là điều đáng thẹn, chúng ta là người phương Đông mà chỉ biết lờ mờ về văn minh phương Đông. Các nhà cựu học tuy thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, lịch sử, thơ phú Trung Hoa, nhưng đó chỉ mới là một khía cạnh của văn minh Trung Hoa; còn về Nhật Bản, Ấn Độ, các cụ không biết gì hơn bọn tân học chúng ta, nghĩa là hầu như chẳng biết gì cả”.
Để hoàn tất bộ The Story Of Civilization, vợ chồng Will Durant - Ariel Durant đã làm việc miệt mài khoảng 46 năm (từ 1929 đến 1975), trong đó cuốn đầu tiên là Di sản phương Đông mất 6 năm, xuất bản lần đầu năm 1935, nó liên tục được tái bản và được chuyển dịch sang rất nhiều thứ tiếng.
Nhận diện về di sản phương Đông, Will Durant cho rằng có thể thấy qua 8 biểu hiệu: 1) lao động - gồm canh tác, kỹ nghệ, vận tải, thương mãi…; 2) chính phủ - gồm sự tổ chức và bảo vệ cuộc sống thông qua gia đình, thị tộc, luật pháp, nhà nước…; 3) đạo lý - gồm phong tục, đạo đức, lương tâm, đức hạnh, đời sống tinh thần…; 4) tôn giáo; 5) khoa học; 6) triết học; 7) văn chương; và 8) nghệ thuật. Tất cả các biểu hiệu này, theo Will Durant, là điều mà chúng ta đã thừa kế, ảnh hưởng, vay mượn, cưỡng đoạt… từ di sản đồ sộ, có tính nền tảng và khởi thủy từ phương Đông.
Cũng xin nói thêm, Will Durant còn là một nhà báo và tác giả phi hư cấu của Mỹ, ông từng đoạt giải Pulitzer năm 1968 với quyển 10 trong bộ The Story Of Civilization. Ông luôn tranh đấu cho người lao động có việc làm, cho việc trả lương công bằng, cho quyền bầu cử của phụ nữ… Về triết học cận nhân sinh, ông nổi tiếng với The Story Of Philosophy (Câu chuyện triết học) và The Mansions Of Philosophy (Những điền trang triết học)…
Lối hành văn của ông, nói như Nguyễn Hiến Lê : “… Hấp dẫn như tiểu thuyết: Hễ đã đọc vài trang rồi thì phải đọc tiếp tới hết cuốn, thỉnh thoảng gặp một nhận xét thâm thúy, dí dỏm, hoặc mỉa mai một cách tế nhị, và cuối mỗi phần luôn luôn có một vài trang tổng kết gọn, sáng mà đủ, giúp ta nhận định được những nét chính của mỗi nền văn minh và gợi cho ta rất nhiều suy tư và hoài cảm. Văn của ông sáng sủa, uyển chuyển có khí lực, nhiều câu co động, cân đối như châm ngôn, có đoạn cảm xúc dào dạt như khi ông viết về J.J. Rousseau. Đáng là một đại bút”.
Thể thao & Văn hóa