Di sản của HLV Troussier ở U23 Việt Nam
Ở U23 Việt Nam hiện tại, HLV Park Hang Seo đang thừa hưởng những thành quả mà HLV Philippe Troussier đã dày công vun đắp, khi nhà cầm quân có biệt danh “Phù thuỷ trắng” còn dẫn dắt ĐT U18 và U19 Việt Nam.
Hôm nay (6/5), đội tuyển U23 Việt Nam sẽ ra quân thi đấu trận đầu tiên tại SEA Games 31 trong khuôn khổ bảng A môn bóng đá nam. Thành phần của U23 Việt Nam ở kỳ đại hội này có thể coi là đội hình nhiều hứa hẹn với sự kết hợp của sức trẻ và kinh nghiệm của nhiều lớp cầu thủ thế hệ 1999-2000, 2001-2002 cùng 3 đàn anh Hùng Dũng, Tiến Linh, Hoàng Đức.
Không chỉ có vậy, đội hình U23 Việt Nam còn khiến nhiều người làm chuyên môn đánh giá cao bởi tính kết nối giữa 2 trường phái bóng đá Park Hang Seo và Philippe Troussier. 7/20 cầu thủ (Văn Chuẩn, Tuấn Tài, Tiến Long, Duy Cương, Văn Đô, Công Đến, Văn Tùng) trong danh sách chính thức tham dự SEA Games 31 của U23 Việt Nam từng là những học trò được “phù thuỷ trắng” trui rèn.
Trường phái Troussier và Park Hang Seo
HLV Philippe Troussier và HLV Park Hang Seo có thể được coi là đại diện của hai trường phái bóng đá hoàn toàn khác nhau. Sở dĩ nói vậy bởi ông thầy người Pháp Troussier, người từng dẫn dắt các đội Nam Phi, Nhật Bản dự World Cup luôn hướng đến một lối chơi kiểm soát trận đấu, dẫn dắt lối chơi và đặc biệt chú trọng tới việc cầm bóng trong chân.
Ông Troussier luôn yêu cầu các cầu thủ phải xoay sở tốt trong phạm vi hẹp, cầm bóng với thời lượng tối đa có thể, thông qua các đường chuyền kéo giãn đội hình đối phương để tìm sơ hở bằng những cách thức tấn công bất ngờ, hiệu quả nhất. Các bài tập thiên về cải thiện kỹ thuật 1 chạm, giữ bóng, xoay bóng cũng được ông Troussier rèn đi, rèn lại qua nhiều lần hội quân.
Ngược lại, HLV Park Hang Seo ưa chuộng những pha xử lý ít chạm, chuyển đổi trạng thái nhanh với những tiền vệ có khả năng xoay sở tốt. Ông Park luôn cắm các tiền đạo cao to, tì đè và có sức càn lướt tốt ở trên để làm tường, tận dụng cơ hội một cách chớp nhoáng mỗi khi có bóng.
Triết lí này lấy sự chắc chắn từ hàng thủ làm căn bản để phát triển bóng từ phần nửa dưới sân nhà lên tuyến trên. Bóng có thể chuyền từ hàng thủ xuyên tuyến lên cho tiền đạo bứt tốc, tận dụng sơ hở của đối phương. Trong cách chơi này, đội bóng của ông Park sẽ kiểm soát bóng ít, chơi phòng ngự phản công.
Với 2 triết lý hoàn toàn khác nhau này, nhiều người nảy ra nỗi lo về sự thích nghi, tương đồng trong lối chơi của các cầu thủ trong tương lai không xa. Một cầu thủ thiên về khuynh hướng kiểm soát bóng, làm chủ thế trận sẽ rất khó để bắt nhịp với việc thường xuyên phải “đói bóng”, lùi về phòng ngự.
Đây có thể là phần nào nguyên nhân mà HLV Philippe Troussier không được chọn để tiếp tục ký hợp đồng ở Việt Nam. Sự đồng nhất giữa các tuyến trẻ U15 - U17 - U19 - U21 và ĐTQG luôn là điều được đề cao trong cách vận hành của mỗi nền bóng đá trên thế giới.
Tuy nhiên, xét ở một góc độ nào đó, trường phái bóng đá Troussier thực ra không chỉ có kiểm soát bóng và chơi bóng theo hình thức áp đặt lối chơi lên đối phương. Đội bóng của ông Troussier khi cần sẵn sàng chơi phòng ngự phản công, tấn công chớp nhoáng. Chỉ có điều, ông Troussier luôn đề cao triết lý: “Khi chúng ta kiểm soát bóng cũng chính là lúc chúng ta phòng ngự”.
HLV Park Hang Seo thừa hưởng gì từ ông Troussier?
Sự khác biệt về triết lý bóng đá giữa ông Troussier và ông Park thoạt nhìn bên ngoài thì tưởng như nước và lửa, nhưng trên thực tế 2 triết lý này vẫn có sự tương đồng nhất định theo khuynh hướng đào tạo cầu thủ hiện đại, điển hình là việc những học trò cưng được “phù thuỷ trắng” đào tạo đều có thể chơi đa năng.
“Tôi và HLV Park Hang Seo có trao đổi về trận cọ xát giữa U22 và U19 nhưng đáng tiếc U22 có kế hoạch. Tôi và HLV Park Hang Seo có trách nhiệm khác nhau nhưng cả hai đều chung mục tiêu giúp bóng đá Việt Nam phát triển hơn và hướng đến World Cup 2026”, ông Troussier từng chia sẻ như thế trong một lần phát biểu.
Thực tế tập luyện ở những lần tập huấn của U19, U18 Việt Nam cho thấy ông Troussier trang bị cho cầu thủ của ông tất cả những kỹ năng cần thiết để trở thành một cầu thủ hiện đại, bao gồm khả năng xử lý bóng, phát triển bóng, tư duy chơi bóng, định hình về không gian và vị trí thi đấu.
“HLV Troussier luôn yêu cầu tôi phải thích nghi với bất kỳ vị trí nào được giao trong đội hình. Dù là tiền vệ cánh phải cũng có thể bị kéo về thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh trái bất kỳ lúc nào, thậm chí là trung vệ nếu cần thiết. Chúng tôi luôn phải sẵn sàng dù không có bóng hay kiểm soát bóng trong chân”, một cầu thủ trẻ từng có cơ hội làm việc với cả ông Troussier cũng như ông Park cho biết.
Nhìn chung, HLV Troussier là một nhà cầm quân thực sự đẳng cấp, giàu kinh nghiệm và ông biết phải trang bị cho các cầu thủ trẻ những gì để họ có thể phát triển một cách tốt nhất, đa năng nhất và hữu dụng nhất trong mọi môi trường bóng đá, chiến thuật khác nhau.
Điều này đang giúp ích rất nhiều cho HLV Park Hang Seo trong cách vận hành của U23 Việt Nam tại SEA Games 31. Bản thân vị chiến lược gia xứ sở Kim chi từng sử dụng Lê Văn Đô ở vị trí tiền đạo cánh, tiền vệ cánh, hậu vệ cánh và tiền vệ trung tâm. Huỳnh Công Đến trong một số buổi tập, đặc biệt là ở 2 trận đấu giao hữu với ĐTQG năm 2020, cũng được bố trí chơi tiền vệ cánh, tiền đạo cánh, hộ công, dù vị trí sở trường của Công Đến là tiền vệ tổ chức.
Bên cạnh đó, người từng được ông Troussier cực kỳ tin tưởng là Quan Văn Chuẩn cũng đang cho thấy những bước tiến vượt bậc ở U23 Việt Nam. Thủ môn trẻ sinh năm 2001 được vị chiến lược gia người Pháp đặc biệt chú ý ở những lần tập trung của U19 Việt Nam năm 2019 và 2020.
Văn Chuẩn đang cạnh tranh sòng phẳng với Nguyễn Văn Toản ở vị trí bắt chính trong khung gỗ “những chiến binh sao vàng”. Nếu Văn Chuẩn ra sân ngay từ đầu ở cuộc đối đầu với U23 Indonesia chiều nay thì đây cũng không phải bất ngờ quá lớn, bởi trình độ chuyên môn của Văn Chuẩn rất tốt và anh chỉ còn phải cải thiện thêm về tâm lý cũng như kinh nghiệm thi đấu.
Với sự trang bị kỹ càng từ HLV Troussier, những cái tên như Văn Chuẩn, Tuấn Tài, Tiến Long, Công Đến, Văn Tùng… xứng đáng được kỳ vọng và trao cơ hội, với điều kiện cần là họ phải sẵn sàng nắm bắt cơ hội để vượt lên về chuyên môn và tạo ra đột phá cho bản thân.
SEA Games 31 sẽ là thuốc thử rõ ràng nhất cho điều này. Sức ép tâm lý hay áp lực thành tích là rào cản mà các cầu thủ trẻ này bắt buộc phải vượt qua trong hành trình sự nghiệp.
Lịch tập của các cầu thủ trẻ dưới thời “phù thuỷ trắng” Troussier kéo dài khoảng 8 tiếng/ngày với các giáo án tập luyện khác nhau. Buổi sáng thường bắt đầu bằng việc vận động nhẹ, tập gym sau đó ăn sáng, nghỉ ngơi và bắt đầu tập luyện lúc 10 giờ. Buổi tập luyện chiều kéo dài từ 16 giờ tới 18 hoặc 19 giờ và kết thúc bằng việc đi bơi, hồi phục. Đó là giáo án chuẩn, còn khi các học trò làm sai, thực hiện sai ý đồ của ông Troussier thì buổi tập có thể kéo dài 4 tiếng. Có thời điểm, lứa U19 của ông Troussier phải tập luyện từ 10 giờ đến 13, 14 giờ hoặc từ 16 giờ tới 20 giờ. Đó chính là cách ông Troussier trang bị các kỹ năng cần thiết cho khoảng hơn 100 cầu thủ trẻ từ độ tuổi 2000-2002 và mở rộng đến 2003, 2004. |
Thanh Nhã