Ði chợ nhân văn
(Thethaovanhoa.vn) - Mấy năm trước, khi cụ Tô Hoài còn sống, có lần vào tháng trước Tết, tôi đến thăm cụ, thấy cụ đang ngồi hí hoáy viết. Cụ bảo: sắp Tết rồi, hồi này mình bận “đi chợ”. Cụ cười hiền hậu giải thích, đi chợ là làm bài Tết cho các báo, vui phết.
“Cũng chẳng cần tiền lắm đâu” - cụ bảo - “nhưng mình vẫn viết đều. Bài Tết nhuận bút to hơn, nhưng viết là để vệ sinh cái đầu”.
Tôi bảo cụ, bác viết như kéo gầu trong cái giếng nước chẳng bao giờ cạn cả, lạ thế! Cháu viết vào ba cái là hết chuyện. Cụ nheo mắt cười hiền hậu: cuộc sống xã hội là cái giếng lớn, mỗi vẻ cuộc sống là một mạch nước, chẳng bao giờ hết, chẳng bao giờ cạn nếu cậu biết cách gạn lọc.
***
Tôi ngồi lặng nghe cụ nói dần hiểu ra. Mà đúng thật, cuộc sống đầy chuyện từ vỉa hè, quán bia đến công sở, cái gì cũng có mạch đi của nó. Đúng là chẳng thiếu gì chuyện. Đó là nguồn nguyên liệu vô cùng phong phú để chia sẻ món ăn tinh thần cho người đọc.
Nhưng ngẫm cho cùng, cụ sống gần thế kỉ, đi nhiều, quan sát nhiều, cái phông văn hóa trong cụ lớn vô cùng cụ mới làm được thế.
Chuyện gì cụ cũng có chút lưng vốn để nói chuyện xưa, so chuyện nay. Một đời văn là một đời “đi chợ” liên tục, chợ trên núi, chợ đồng bằng, anh thợ cắt tóc vỉa hè, ông thợ dìu (vũ sư), người đánh giậm, anh công chức… cái gì cụ cũng để mắt tới. Chúng biến đổi theo thời gian chứ có đóng khung giống nhau đâu! Anh thợ dìu hôm trước khác thầy dạy nhảy hôm nay đấy! Bây giờ yếu rồi không đi xa được thì mình đọc báo hàng ngày cũng là đi thực tế, dù có hạn chế.
Cụ lại tiếp: Để viết được thì chỉ nhìn thôi chưa đủ. Nhìn nhưng phải thấy. Ví dụ nhìn người bán hàng rong, phải thấy cả bao nhiêu miệng ăn sau lưng trông vào gánh hàng đó. Kiếm sống cực nhọc lắm. Thấy được thế thì anh trật tự mới nhẹ tay khi dọn dẹp vỉa hè. Thấy được điều đó thì nhà văn mới chia sẻ được cảm xúc cho người đọc để hiểu hơn kiếp người lăn lóc. Đó là cách đọc cuộc sống, và chữ nghĩa mới ra từ đó, chứ nhìn mà không thấy thì viết cái gì. Viết là bộc lộ sự nhận thức, sự chia sẻ chứ không phải viết là chép lại hiện tượng với cái nhìn nhỏ hẹp của mình. Muốn viết được phải có tấm lòng bao dung”.
Cụ bảo ngay cả chính sách, có cái hôm nay tốt nhưng xã hội phát triển, cứ khư khư không thay đổi cho phù hợp với thực tế thì nó thành lạc hậu và phản tác dụng, lúc ấy chính sách hỏng đấy.
***
Cụ bảo mỗi lần đi chợ mình lại có cái nhìn quá khứ và hôm nay để nhặt ra cái mới cái tiến bộ.
Mà này, viết cũng là thứ cải tạo bản thân đấy cậu. Nhưng viết là để đức lại cho đời sau chứ không phải kiếm tiền, anh nhớ cho điều đó. Vậy viết phải chân thành, đừng ngại cái xấu không nói ra, đừng ca tụng cái mới quá đà trong khi nó mới hé ra, e rồi hối không kịp!
Cuộc sống diễn biến khó lường, phải lấy cái nhìn nhân văn làm cốt để viết.
Cụ ra đi thế là đã 4 - 5 năm mà vẫn như đâu đây câu nói của cụ, “viết là để đức cho đời sau, nên viết phải cẩn trọng”.
Một cái Tết mới sắp đến, tôi lại theo cụ đi chợ cuối năm, đi chợ nhân văn…
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi