Đề xuất đưa sách giáo khoa vào nhóm hàng thiết yếu để cung ứng trước năm học mới
(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến vấn đề vận chuyển sách giáo khoa khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 17/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Vào thời điểm hiện tại, sách giáo khoa đang là mặt hàng cấp thiết cần được vận chuyển, cung ứng kịp thời đến nhà trường, học sinh và giáo viên, chuẩn bị cho khai giảng năm học 2021-2022.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp trên cả nước, nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, vì vậy việc vận chuyển sách giáo khoa tới tận tay học sinh tại các địa phương này hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Về cung ứng, vận chuyển, nhà xuất bản lên phương án thiết lập các tổng kho tạm thời tại các địa phương có tình hình dịch bệnh đang lắng dịu để tập kết hàng hóa hoặc trong trường hợp có thể thì vận chuyển sách trực tiếp từ nhà in tới các đối tác phát hành trong khu vực, từ đó, chuyển sách về các trường học, tới tay học sinh kịp phục vụ năm học mới.
Bên cạnh đó, nhà xuất bản cũng điều tiết từng tên sách cụ thể giữa các đối tác phát hành tại địa phương để phần nào đáp ứng kịp thời nhu cầu khi đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển sách giáo khoa từ tổng kho.
Ngày 13/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã có công văn gửi tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển sách giáo khoa kịp thời trước ngày khai giảng. Đồng thời, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiến nghị các cơ quan liên quan coi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc kinh doanh, lưu thông, phân phối đáp ứng nhu cầu của học sinh và giáo viên trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Việc Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa sách giáo khoa vào nhóm hàng hoá thiết yếu theo thẩm quyền của địa phương cho thấy tính cấp thiết của việc tạo điều kiện tối đa để sách giáo khoa đến với học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.
Với khoảng 40 tỉnh, thành phố đã có thời gian khai giảng dự kiến, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đề nghị các nhà trường có phương án phù hợp để nhận sách giáo khoa và kịp thời chuyển tới tay học sinh trước ngày khai giảng.
- Hà Nội phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022
- Bộ Tài chính thông tin về tăng giá sách giáo khoa gấp 3 - 4 lần
- Bộ GD&ĐT công bố Danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 được phê duyệt
Đối với những tỉnh, thành phố chưa xác định thời gian tựu trường do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ căn cứ kế hoạch của từng địa phương để xây dựng phương án cung cấp đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh. Ngoài ra, Nhà xuất bản sẽ tiếp tục phối hợp với đối tác phát hành tại các địa phương để có phương án cụ thể với từng tuyến đường, chốt kiểm soát đưa sách giáo khoa đến tay học sinh kịp thời nhất.
Về giải pháp công nghệ, học sinh, giáo viên có thể sử dụng phiên bản điện tử sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên tại trang web: hanhtrangso.nxbgd.vn. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đẩy mạnh việc phát hành sách giáo khoa trên một số kênh bán hàng trực tuyến như nhasachso.nxbgd.vn, edubook.com.vn, ebdbook.vn.
Tính đến ngày 15/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành được 94% sản lượng sách giáo khoa phục vụ học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 theo kế hoạch về các địa phương. Đối với sách giáo khoa lớp 1-2-6, đã cung ứng tới các địa phương gần 37 triệu bản, đạt tỉ lệ 85%.
Giá bán sách giáo khoa từ lớp 3 đến lớp 12 vẫn được giữ như những năm học trước. Bảng giá sách giáo khoa được niêm yết tại các cửa hàng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty Sách - Thiết bị trường học cả nước và trên website tại địa chỉ: www.nxbgd.vn.
Việt Hà/TTXVN